Ngăn "bom" trái phiếu và bất động sản, tín dụng có thể bị ảnh hưởng
Diễn biến các tỷ giá điều hành của NHNNBáo cáo thị trường tiền tệ tuần từ ngày 4 - 8/4 của SSI Research vừa công bố cho thấy, lãi suất VND trên thị trường liên ngân các kỳ hạn dài (2 tuần – 3 tháng) đã bắt đầu nhích tăng (12 – 22 điểm cơ bản). Điều này phản ánh kỳ vọng liên quan đến các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro cao.
Siết chặt các hoạt động trên thị trường trái phiếu, tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng
Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn số 1976/ NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. NHNN nhấn mạnh, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tín dụng tính đến cuối tháng 3/2022 đã tăng mạnh 5,1% so với cuối 2021, tương đương mức 15,9% so với cùng kỳ, trong đó dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 18 - 20% tổng tín dụng.
Với việc chính phủ siết chặt hơn các hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia SSI cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Trong báo cáo phát hành trước đó, các chuyên gia tại SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng cao từ 15% - 16%. Trong khi đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (gồm nhu cầu vay vốn, thanh toán, gửi tiền) tiếp tục tăng trong quý II/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Do đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Cũng trong tuần từ ngày 4 – 8/4, hoạt động trên thị trường OMO tương đối sôi động và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 1,2 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm.
Tổng lượng tín phiếu đáo hạn là 720 tỷ đồng và nâng tổng lượng tín phiếu đang lưu hành lên 5 nghìn tỷ đồng.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm nhiệt
Nhận định về thị trường tài chính trong tuần qua, các chuyên gia SSI cho rằng, thị trường tài chính có diễn biến không mấy tích cực do ảnh hưởng kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) thông qua việc giảm quy mô bảng cân đối tài sản.
Đồng thời, sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và quyết định phong tỏa Thượng Hải cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Đồng USD (thông qua chỉ số DXY) đã tăng mạnh liên tiếp trong tuần và dao động gần mức cao nhất kể từ tháng 7/2020. Các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD, trong đó EUR giảm -1,55%, GBP -0,53%, CAD -0,58%...
Tại thị trường trong nước, diễn biến của đồng VND hầu như không có nhiều thay đổi.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch quanh mức 22.865 đồng/USD (tăng 15 đồng so với tuần liền trước), trong khi tỷ giá niêm yết tại các tăng 20 đồng, kết tuần ở mức 22.690/23.000 đồng/USD.
Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm nhiệt và thu hẹp khoảng cách với tỷ giá niêm yết, giao dịch ở 23.255/23.285 đồng/USD.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá mua/bán USD trên thị trường tự do phổ biến quanh mức 23.270 đồng/USD (mua vào) và 23.330 đồng/USD. So với cuối tuần trước, giá mua/bán USD tăng lần lượt 15 đồng/USD và 45 đồng/USD.
Các chuyên gia SSI dự báo, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Giải ngân FDI trong 3 tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ trong khi đó cán cân thương mại, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải Quan đảo chiều xuất siêu 2,1 tỷ USD trong tháng 3 và nâng mức xuất siêu trong quý I lên 1,5 tỷ USD.