Ngân hàng "bung" vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn "than" khó

25/09/2020 09:50 GMT+7
Ngân hàng "tung" ra các gói hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trước tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vốn rẻ không thể lan tỏa đến tất cả các thành phần kinh tế, nên nhiều doanh nghiệp vẫn "than thở" vì chưa tiếp cận được.

Ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,5%/năm nhằm mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đầu tháng 9, HDBank công bố gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ với hạn mức lên tới 2 tỷ đồng; SHB vừa tung ra chương trình ưu đãi "Tiếp sức kinh doanh, thành công vượt trội" dành cho DN siêu nhỏ...

Bên cạnh những giải pháp tài chính, các ngân hàng còn tiếp sức cho các DN qua nhiều cách làm mới, như dịch vụ tư vấn tài chính DN, hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc DN...

Có thể thấy, vốn rẻ ngân hàng đang rất sẵn sàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn doanh nghiệp "than phiền" lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao, giảm không như mong đợi. Thậm chí, gần như chưa có sự khác biệt khi giảm lãi cho khoản vay hiện hữu so với trước dịch. Còn các khoản vay mới, so với trước dịch, lãi suất chỉ giảm từ 0,1-0,5 điểm %, rất ít doanh nghiệp được hưởng mức từ 1 điểm % trở lên.

Theo ông Lê Hoàng Thanh, Giám đốc Công ty CP Thiên Thanh cho biết, khi đem giấy tờ nhà đi cầm cố để vay vốn thì ngân hàng thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn 9 tháng, có tài sản thế chấp là 7,5%/năm trong 3 tháng đầu, 6 tháng tiếp theo tăng lên 8,5%/năm. Mức lãi vay này bằng với mức lãi vay thông thường của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – giám đốc trang trại Bò sữa Gấm Tuấn (Lâm Đồng) than thở, ngân hàng đều kêu giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhưng thực tế không thấy giảm. Lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn giải ngân mới đây của ông Tuấn là 7,2%/năm, trong khi vay dài hạn xấp xỉ 13%/năm.

Theo đại diện một công ty May thêu tại TP.HCM, muốn vay vài tỷ đồng để nhập mẫu vải mới, sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó. Vì trước đó, toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc cả rồi. Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, hồ sơ thủ tục,... Rốt cuộc, đi nhiều ngân hàng doanh nghiệp đều không vay được số tiền như mong muốn.

Một loạt doanh nghiệp du lịch cũng than thở khi bị các ngân hàng đánh giá đây là lĩnh vực kinh doanh đang gặp nhiều rủi ro. Nếu tài sản thế chấp không có đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó có thể vay vốn từ ngân hàng.

Ngân hàng "bung" vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn "than" khó - Ảnh 2.

Vốn rẻ không thể lan tỏa đến tất cả các thành phần kinh tế. (Ảnh minh họa)

Thực tế, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng phải thừa nhận, vốn rẻ không thể lan tỏa đến tất cả các thành phần kinh tế. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị "bào mòn" đáng kể, dẫn tới không đủ điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng. Trong khi đó, nhằm hạn chế rủi ro, các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, đầu năm nay, nhiều DN nhỏ vẫn nằm trong diện cho vay của ngân hàng, nhưng đến giữa năm, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến "sức khỏe" của DN rất yếu.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Thành viên HĐQT SCB thì cho hay, thực tế hiện nay, hiệu quả sinh lời của nền kinh tế đang ở mức thấp và một số DN bị tác động mạnh bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch... Tuy nhiên, cũng vẫn có những lĩnh vực hấp thụ vốn tốt như ngành bán lẻ, tiêu dùng, nhu yếu phẩm, dược phẩm... "Do đó, nếu muốn đẩy tín dụng, các ngân hàng phải đưa ra gói tín dụng trúng và đúng đối tượng. Điều này quan trọng hơn là lãi suất rẻ hay đắt", ông Văn lưu ý.

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019. 2 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm (cụ thể cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%). Tuy nhiên nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Huyền Anh
Cùng chuyên mục