Ngân hàng 'chuộng' thưởng cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên

20/06/2020 06:12 GMT+7
Nhiều ngân hàng gần đây tăng phát hành cổ phiếu với giá thấp (ESOP) để khích lệ nhân viên và nhằm tiết kiệm chi phí, tránh ăn mòn lợi nhuận.

Thời gian qua, những nhân viên ngân hàng có đóng góp thường được mua cổ phiếu của chính nhà băng với giá chỉ 0 đồng hoặc 10.000 đồng - thấp hơn nhiều so với thị giá. Đây là chính sách được nhiều ngân hàng sử dụng gần đây nhằm khích lệ và giữ chân người tài.

Theo đó, từ ngày 15/6 đến 4/7, NamABank dự kiến phát hành 16,78 triệu cổ phần ESOP (phát hành cổ phần ưu đãi cho nhân viên) với giá 10.000 đồng một cổ phiếu và chỉ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Đây cũng là ngân hàng có kế hoạch ESOP với tỷ lệ cao nhất năm nay. Số lượng cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành chiếm 4,31% cổ phần đang lưu hành của nhà băng này.

Với Techcombank, tại đại hội sắp tới, nhà băng sẽ trình cổ đông kế hoạch ESOP 4,7 triệu cổ phần trong hai quý cuối năm (0,14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành).

So với các nhà băng, Techcombank là đơn vị tích cực dùng ESOP khi ba năm gần đây đều có kế hoạch này. Như hai năm trước, tuy tỷ lệ phát hành thấp nhưng Techcombank thường phân bổ cho số ít lãnh đạo và thậm chí số cổ phiếu này không hạn chế chuyển nhượng, người mua có thể bán chốt lời ngay.

Cụ thể, năm 2019, nhà băng này đã phát hành 3,5 triệu cổ phần ưu đãi cho 155 người với giá 10.000 đồng. Vào tháng 3/2018, trước vài tháng khi lên sàn, Techcombank bán gần 14,7 triệu cổ phiếu ESOP (1,48% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho 150 người trên tổng số 8.700 nhân sự.

Trong khi đó, MB năm vừa rồi cũng phát hành ESOP 43 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2% trên số cổ phiếu đang lưu hành) cho gần 1.800 nhân viên. Tỷ lệ phát hành khá lớn nhưng số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tới 5 năm và nới lỏng tỷ lệ chuyển nhượng qua các năm.

Nhìn nhận xu hướng trên, giới trong ngành cho rằng, chính sách này vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà các ngân hàng cũng không phải tốn nhiều chi phí. Bởi theo chuẩn mực kế toán đang áp dụng tại Việt Nam, khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu ESOP và thị giá không bị phản ánh vào chi phí lương, thưởng. Vì thế, thưởng bằng ESOP không làm các ngân hàng phát sinh thêm chi phí, lợi nhuận trên báo cáo đẹp mắt hơn so với việc thưởng bằng tiền.

Trong khi một số ngân hàng xem đó là cách thưởng "tiết kiệm chi phí", không ăn mòn vào lợi nhuận thì cổ đông thường không hài lòng bởi phát hành thêm cổ phiếu ESOP làm pha loãng tỷ lệ sở hữu. Đặc biệt, với những đơn vị phát hành với tỷ lệ lớn và cô đặc vào một nhóm lãnh đạo, một số cổ đông e ngại doanh nghiệp rút tiền từ họ để tăng lợi ích cho những người điều hành.

Ngân hàng 'chuộng' thưởng cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên - Ảnh 1.

Tổng hợp lần ESOP gần nhất của các ngân hàng.

Để hạn chế "xung đột" này, một số nhà băng đã sử dụng cổ phiếu quỹ. Theo đó, ACB và VIB đã dùng đến cổ phiếu quỹ để thưởng ESOP cho nhân viên nên không làm pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông, tránh được mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và nhân viên.

Trong đợt phát hành mới đây, nhân viên của ACB không cần bỏ tiền ra mua ESOP mà ngân hàng sẽ bán cổ phiếu quỹ cho công đoàn, sau đó công đoàn chuyển nhượng lại 1,6 triệu cổ phiếu cho người lao động với giá 0 đồng. Chỉ với 1,6 triệu cổ phiếu ESOP nhưng nhà băng này phân phối cho gần 500 nhân viên. Điều này cũng tránh được việc "dồn lợi ích cho một nhóm người điều hành".

Tương tự, VIB cũng nhiều năm dùng nguồn cổ phiếu quỹ để thưởng cổ phiếu cho nhân viên (nhân viên không cần bỏ tiền mua) song song với chính sách thưởng bằng tiền mặt. Lần gần đây nhất là năm 2019, VIB đã thưởng hơn 7,7 triệu cổ phiếu cho hơn 3.857 nhân viên.

VPbank cũng vậy, năm 2020, nhà băng này đã thông qua phương án bán tối đa 17 triệu cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi 10.000 đồng cho người lao động. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, tuy nhiên ngân hàng cho phép chuyển nhận 30% sau một năm, 35% sau hai năm, 35% còn lại sau năm thứ 3.

Hai năm trước, ngân hàng này cũng phát hành mỗi năm từ 31-34 triệu ESOP, tuy nhiên tới khoảng một nửa số cổ phiếu ưu đãi này thuộc về Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh. Nhiều lãnh đạo cấp cao cũng đăng ký mua số cổ phiếu này.

Nhìn chung, ESOP là chính sách khá được ưa chuộng với nhiều doanh nghiệp, không riêng các ngân hàng và khả năng sẽ còn "nở rộ" thời gian tới. Bởi chính sách này bảo đảm phúc lợi cho nhân viên, có tác dụng giúp họ gắn bó với ngân hàng hơn. Mặt khác, nó giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí cũng như không ăn mòn vào lợi nhuận.

Và không phải chính sách này lúc nào cũng gây thiệt hại cho lợi ích của cổ đông, bởi trên thực tế, vẫn có cách để cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và cán bộ, nhân viên.


Quỳnh Trang/Vnexpress
Cùng chuyên mục