Ngân hàng lo bị truy thu thuế GTGT, Tổng cục Thuế khẳng định "không đòi"

23/05/2020 13:02 GMT+7
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế không nêu vấn đề truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng (L/C) ở các ngân hàng, mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc kê khai thuế GTGT lâu nay đang thực hiện như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế chưa bao giờ đặt vấn đề truy thu thuế GTGT như nhiều ý kiến phản ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí. Thực tế, Luật Thuế GTGT được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/1999 đến nay không có thay đổi.

Bên cạnh đó, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 cũng quy định dịch vụ L/C là hình thức thanh toán chứ không phải hình thức tín dụng.

Ngân hàng lo bị truy thu thuế GTGT, Tổng cục Thuế khẳng định "không đòi" - Ảnh 1.

Tổng cục Thuế khẳng định không ‘đòi’ truy thu thuế GTGT với dịch vụ L/C

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho hay, thực tế quy định của pháp luật về L/C như thế nào thì cơ quan thuế thực hiện đúng như vậy. Ngoài Luật Thuế GTGT, còn có các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết. Tất cả các văn bản này đều không đặt vấn đề thu thuế GTGT đối với hoạt động bảo lãnh và cho vay, mà chỉ thu thuế GTGT với dịch vụ.

Tuy nhiên, thời gian qua, thông qua công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, điển hình là kiểm toán tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và một số ngân hàng thương mại đều nêu lên vấn đề L/C theo Luật các tổ chức tín dụng đó là nghiệp vụ thanh toán, hoạt động dịch vụ chứ không phải bảo lãnh và cho vay.

Ông Phụng cho biết, về nghiệp vụ tín dụng, lâu nay, các ngân hàng thương mại tự khai với cơ quan thuế.  Vì vậy, Tổng cục Thuế thấy rằng để làm đúng, trước hết phải chỉ đạo các cục thuế địa phương đồng hành cùng ngân hàng, tiến hành rà soát lại các nghiệp vụ.

"Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 của Tổng cục Thuế không nêu vấn đề truy thu thuế GTGT, mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc kê khai thuế GTGT lâu nay đang thực hiện như thế nào", ông Phụng khẳng định.

Ông Phụng cũng thừa nhận nội dung này cũng có nhiều tranh cãi. "Bản thân tôi thì thấy rằng, nếu đã là cho vay, đã là bảo lãnh ngân hàng thì chắc chắn không phải nộp thuế GTGT, nhưng nếu là dịch vụ thì đề nghị thực hiện khai và nộp thuế theo luật định", ông Phụng cho hay và khẳng định: "Chúng tôi luôn quán triệt nghiệp vụ tín dụng và bảo lãnh là đối tượng không chịu thuế GTGT".

Trước đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 về thuế VAT đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Tổng cục Thuế, căn cứ quy định tại Luật các TCTD năm 2010 và các quy định pháp luật liên quan, "… kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định".

Vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ L/C thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng ngay lập tức đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Theo văn bản gửi đi, Hiệp hội Ngân hàng cho biết cơ quan thuế đang yêu cầu các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các khoản thu từ dịch vụ thư tín dụng L/C trong vòng gần 10 năm qua (từ 1/1/2011).

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế VAT theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Do vậy, việc áp dụng thu thuế VAT không đúng bản chất của thư tín dụng.

"Thuế VAT là thuế gián thu. Trường hợp phải nộp bổ sung thuế dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng sẽ phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế VAT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan", Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Ngoài ra, theo các ngân hàng, việc đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đang phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh COVID-19.

Chưa kể, việc yêu cầu "hồi tố" sẽ làm phát sinh một loạt chi phí do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế địa phương không áp dụng thuế VAT đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng và các khoản phí có liên quan. Không yêu cầu "hồi tố", bắt các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế VAT từ năm 2011 như yêu cầu trên.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục