Ngân hàng sẽ giải quyết vốn cho dự án cao tốc Bắc Nam
Việc Bộ Giao thông Vận tải huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam là tin vui cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhưng đi kèm với niềm vui này là nỗi lo về vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng, về năng lực và kinh nghiệm thi công các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng, điều kiện về vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư cũng không quá khó khăn nhưng lo ngại nhất là thiếu vốn vì doanh nghiệp sẽ phải vay khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư dự án. Chính vì vậy, sự thành bại của dự án này phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (NH).
Trước nỗi lo "khó vốn" đối với dư án cao tốc Bắc – Nam, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, "vấn đề BOT là rất nóng, vốn tín dụng cho BOT là rất lớn".
Hiện tại rất nhiều dự án BOT đang thiếu vốn và muốn được ngân hàng tài trợ vốn. Cụ thể, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị cần hơn 8.000 tỷ đồng, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đề xuất 20.000 tỷ, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cần 22.000 tỷ đồng…
Đây mới là các dự án BOT phía bắc, chưa nói đế việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường cao tốc ở phía Nam. Cao tốc Bắc Nam.
Vì vậy, cấp tín dụng cho các dự án BOT nói chung và dự án Cao tốc Bắc - Nam nói riêng, theo ông Tú đó là sự quyết tâm rất cao, rất nỗ lực của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi đây đều là những dự án cần huy động nguồn vốn rất lớn, lên tới hàng nghìn, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng. Thời gian cho đầu tư cho các dự án này thường kéo dài 10-15 năm trở lên. Trong khi đó, nguồn huy động của các ngân hàng thương mại thường là vốn trung hạn và ngắn hạn.
Thứ hai, các ngân hàng cũng bị giới hạn trong việc cấp tín dụng như không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức vay, hay yêu cầu về số an toàn vốn (CAR) cũng là một vấn đề nếu như các ngân hàng không bổ sung được nguồn vốn…
Để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, thì việc rót 5.000 – 7.000 tỷ cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng.
Chưa kể, trách nhiệm phải cung ứng tín dụng cho tất cả các lĩnh vực khác, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.
Mặc dù vậy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc song vị lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm với những dự án có tính chất Quốc tế dân sinh, dự án trọng điểm quốc gia của các NH đặc biệt là các NHTM Nhà nước đều rất cao.
"Với các dự án cao tốc Bắc Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm. Nhưng quan tâm như thế nào, xử lý bằng cách nào cho hợp lý đang là vấn đề ngành NH cân nhắc. NH sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh cho các NH. Cùng với đó, cũng phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả và việc lập trạm…", Phó Thống đốc đề cập.
Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm, cho vay là thuộc thẩm quyền của các NHTM, và trên cơ sở có hiệu quả cũng như thu hồi được vốn. Không ai can thiệp được vào việc cho vay của các NHTM.
Liên quan đến vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, "đã cơ bản được giải quyết". Ông Tú cho biết, câu chuyện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là giải ngân vì vốn NHTM sử dụng sau cùng để khỏi phải trả lãi, hiện các NH thương mại, doanh nghiệp BOT, UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án) đang trao đổi để thống nhất sớm ký cam kết hợp đồng.
Về phản ánh của các NHTM có vướng hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc giải thích, đây là hạn mức cho vay của các NH đối với các đối tượng cần thiết ưu tiên, DN không vướng, còn các NH kêu, nói hạn mức sắp hết…
"Tất cả những vấn đề này đang được xem xét một cách thấu đáo. Vấn đề tăng thêm hay không tăng thêm cũng không phản ánh NH đó tốt hay không tốt, đúng hay không đúng, mà vấn đề đó có phù hợp với đúng đối tượng hay không", Phó Thống đốc giải thích và cho biết đây là yếu tố kỹ thuật, có tính chất điều hành hướng đến mục tiêu của Chính phủ là cần khuyến khích đối tượng nào, không khuyến khích đối tượng nào bởi Luật không có chế tài, mà cần có công cụ (trực tiếp hay gián tiếp) để điều tiết.
Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.
8 dự này gồm các tuyến: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.
Bộ Giao thông Vận tải thông tin, sau khi hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 10 tới Bộ sẽ phát hồ sơ mời thầu và sơ tuyển nhà đầu tư trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc Nam, chấm sơ tuyển và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020.