Ngành cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3
Do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019 và ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3/2020.
Đây là thông tin được Tổng Cục Thủy sản đưa ra tại "Hội nghị bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch COVID-19” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tại An Giang vào chiều ngày 7/5.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì dưới sự tham gia của lãnh đạo và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam.
Diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng đạt gần 180.000 tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Các tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Hàn Quốc. Đây là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể, sang Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%.
Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu.
Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch.
Tất cả thị trường lớn xuất khẩu cá tra trong 3 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong chuỗi ngành hàng cá tra từ hộ nuôi đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngành phụ trợ như: thuốc thủy sản, thức ăn... đều bị ảnh hưởng.
Cùng đó, hạn mặn tại một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng tác động đến ngành cá tra xuất khẩu, đẩy các địa phương vào thiệt hại "kép."
Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 18.500-19.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp chỉ ưu tiên thu mua cá trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp.
Dự báo, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch được kiểm soát.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản - cho biết Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.
Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Dân số Ấn Độ hiện trên 1,3 tỷ người và dự kiến trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Sản lượng nuôi cá tra của Ấn Độ tăng liên tục từ khi cá tra bắt đầu được nhập về nuôi tại Ấn Độ năm 1995 và đến năm 2018 đạt 0,85 triệu tấn. Do đó, đây có thể là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Đình Luân đưa ra dự báo.
Năm 2020, sản lượng nuôi cá tra cả nước dự kiến đạt 1,42 triệu tấn. Diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600ha. Chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm 2020 dự kiến đạt 10 tỷ USD; trong đó bao gồm tôm, cá tra, hải sản.
Trước khó khăn của ngành hàng cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ giảm, giãn nợ, kéo dài thời gian nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tài chính ngân hàng, đo lường thiệt hại doanh nghiệp để đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn vay, lãi suất phù hợp; đề ra các giải pháp hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian có dịch và sau dịch. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trong phát triển thị trường trong nước; xúc tiến thị trường trong nước, khôi phục thị trường nước ngoài.
Để ngành cá có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - khẳng định việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết.
Các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần tập trung cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống; khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...
Cùng với đó, tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế nhằm củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho Nghị định cá tra phát huy tác dụng, ông Quốc nêu vấn đề.
Mặt khác, Việt Nam cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; tập trung phát triển các thị trường có sẵn ở Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean với thị phần chiếm từ 50-60%...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định Việt Nam tự hào đã thuần hoá cá tra để trở thành ngành kinh tế về cá tra tỷ USD xuất khẩu đi 119 nước.
Tuy nhiên, sản lượng và xuất khẩu cá tra cộng lại các năm chưa tương xứng với tầm vốn có. Nguyên nhân do chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ; giống là khâu quan trọng nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức thị trường còn nhiều lỗ hổng; chưa khai phá hết tiềm năng, lợi thế của thị trường xuất khẩu rộng lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững đúng với tên tuổi, thương hiệu cá tra Việt Nam đã xây dựng, vai trò của các hiệp, hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước là rất quan trọng.
Dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước mất nhiều đơn hàng xuất khẩu, luôn ở trạng thái đầy hàng do không xuất khẩu được. Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ nợ quá hạn gia tăng, đe dọa đứt đoạn sản xuất, thiệt hại kinh tế.
Thời gian tới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là vấn đề nguồn vốn; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường bước đầu đã khống chế dịch COVID-19 như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp, hội đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào thị trường tiềm năng như Nga, Brazil...; làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long không mở rộng diện tích nuôi cá tra và mong muốn các địa phương ủng hộ chủ trương của Bộ.
Đối với cá giống, phải làm bằng được giống cá tra ba cấp; trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong phát triển con giống...