Ngành công nghệ Trung Quốc thừa hàng triệu nhân lực

03/09/2022 07:32 GMT+7
Khủng hoảng do Covid-19 khiến nhiều hãng công nghệ Trung Quốc phải cắt giảm nhân sự. Điều này tạo ra hàng triệu thanh niên thất nghiệp ở nước này.

Siết chặt chính sách từ nhà quản lý, cùng việc sụt giảm doanh thu trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài khiến những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải sa thải hàng nghìn người. Vấn đề này báo trước thời kỳ tối tăm bởi các công ty thuộc lĩnh vực này là nhà tuyển dụng lớn nhất đất nước.

Bloomberg cho biết khoảng 11 triệu sinh viên tốt nghiệp cuối năm nay sẽ bơm lượng lớn nhân lực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, con đường cho thanh niên Trung Quốc sẽ khó khăn hơn khi 1/5 số người 16-24 tuổi đang thất nghiệp.

Cơ hội ở Tencent, Alibaba không còn hấp dẫn

Yin Mingyue, 25 tuổi, một sinh viên ngành truyền thông ở Bắc Kinh cho biết đã trải qua hơn 300 ngày tìm việc nhưng vẫn thất bại. “Trước 2019, mọi người háo hức khi nộp đơn vào các gã khổng lồ công nghệ. Nhưng bây giờ, bố mẹ không muốn tôi đến gần những doanh nghiệp này vì vô số vấn đề”, cô Yin nói với Bloomberg.

Người này cho biết những bạn bè đồng trang lứa, có thành tích học tập tốt từng lạc quan về quá trình tìm việc. Tuy nhiên, mọi thứ hiện tại đã khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang cao kỷ lục, ở mức 20%, là một vấn đề lớn với nền kinh tế. Hàng triệu người trẻ không có việc làm sẽ gây “vỡ mộng” viễn cảnh tăng trưởng dài hạn của nước này.

Trong tương lai gần, tình hình khó thể sớm cải thiện bởi nhà chức trách còn phải vật lộn với chính sách Zero Covid. Đồng thời, những doanh nghiệp công nghệ còn phải oằn mình kiểm soát dòng tiền, thua lỗ. Hai công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, Alibaba cùng Tencent đã phải cho nghỉ việc 14.000 người từ tháng 4 đến tháng 6.

Ngành công nghệ Trung Quốc thừa hàng triệu nhân lực - Ảnh 1.

Alibaba, Tencent phải sa thải hàng chục nghìn người trong vài tháng qua. Ảnh: Getty.

Theo bà Liu Peiqian, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Natwest, tỷ lệ thất nghiệp cao có thể kéo dài đến nửa cuối năm khi lượng lớn sinh viên ra trường bổ sung vào nguồn nhân lực. Đồng thời, chính sách Zero Covid vẫn gây áp lực lên nền kinh tế.

Bà Liu cho rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn thu hút nguồn nhân lực chất lượng ở Trung Quốc nhiều năm qua. Nếu việc này dừng lại, nó có thể gây bất ổn cho nền kinh tế.

Ngành công nghệ Trung Quốc thừa hàng triệu nhân lực - Ảnh 2.

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc suy yếu

Sự đàn áp từ nhà chức trách với những gã khổng lồ Internet Trung Quốc bắt đầu thể hiện rõ hậu quả. Việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đình trệ bởi giới hạn trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, đóng băng IPO. Ngoài ra, riêng Alibaba còn phải rút khỏi các lĩnh vực mới đầy hứa hẹn.

Nhiều công ty đã gồng gánh, tránh phải sa thải nhân sự vào năm 2021 nhờ một số hoạt động sinh lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu và làn sóng Covid-19 mới ở Trung Quốc đã cuốn bay những hi vọng phục hồi.

Ngành công nghệ Trung Quốc thừa hàng triệu nhân lực - Ảnh 3.

Những dự án mang lại doanh thu lớn như Honor of Kings cũng bị thu gọn quy mô. Ảnh: Getty.

Amanda, nữ nhà thiết kế game 27 tuổi là một trong số 5.000 người kém may mắn, thuộc nhóm cắt giảm nhân sự đầu tiên của Tencent sau gần 10 năm. Từng là ứng cử viên sáng giá cho việc trở thành tập đoàn giá trị 1.000 tỷ USD đầu tiên của Trung Quốc. Hiện tại, công ty này không được phê duyệt để phát hành trò chơi mới nào trong một năm.

Theo Amanda, Tencent đang phải thu gọn quy mô, ngay cả những dự án sinh lời tốt như Peacekeeper Elite Honor of Kings. Với các nhân sự, họ chỉ biết hi vọng mình không thuộc danh sách đen.

“Nếu ngay cả Tencent cũng không thể định hướng giữa giai đoạn kinh tế bất ổn. Làm sao các công ty khác trụ được. Tôi chẳng biết làm gì tiếp theo”, Amanda nói.

Việc giảm nhu cầu tuyển dụng đang làm nghiêm trọng tình trạng “lười biếng” ở thanh niên. Ngay trước khi kinh tế đi xuống, sự hình thành của một thế hệ thiếu động lực, buông xuôi trước áp lực đã hình thành.

Amanda sau đó chuyển hướng sang một số lựa chọn khác nền tảng video ngắn Kaishou hay nhà phát triển Perfect World. Nhưng các doanh nghiệp này không có cam kết rõ ràng. Cuối cùng, cô ấy được nhận vào nền tảng trò chơi Nuverse của ByteDance. Tuy nhiên, Amanda không thể an tâm khi việc bị sa thải có thể đến bất cứ lúc nào.

Theo Zing
Cùng chuyên mục