Ngành nông nghiệp còn gần 18 nghìn tỷ đồng vốn trung hạn chưa giải ngân
Vấn đề trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra tại cuộc làm việc với Bộ về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành nông nghiệp, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đầu tư ngày 19/8 tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành nông nghiệp có nhiều dự án quan trọng liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các công trình thủy lợi bảo vệ nguồn nước ngọt, gia cố bảo vệ đê điều, hạ tầng thủy sản…
Việc giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng, bởi đây là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Việc tạo ra cơ sở hạ tầng, tạo môi trường để huy động nguồn đầu tư cho phát triển nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm ngành, hiệu quả trong sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra. Bộ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để tháo gỡ khó khăn các khâu trong thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng…; điều chỉnh vốn trong các công trình cho phù hợp.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần kiểm soát chặt quá trình đầu tư xây dựng gắn với phòng chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo công trình đúng tiến độ và an toàn xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí.
Trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Bộ cần rà soát, cùng các bộ xây dựng kế hoạch đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp thiết như điều tiết mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, neo đậu tàu cá, gia cố hồ đập, phòng chống thiên tai…; lựa chọn các công trình thích đáng đầu tư để có các sản phẩm, công trình tiêu biểu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao số vốn 17.324 tỷ đồng phải thực hiện, giải ngân, bao gồm 1.808,6 tỷ đồng vốn nước ngoài kế hoạch năm 2020 Bộ đã xin trả lại do không có khả năng giải ngân.
Về vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ có số vốn kế hoạch là 9.900 tỷ đồng; trong đó xây dựng 8.019 tỷ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng 1.881 tỷ đồng.
Với hợp phần xây dựng, khó khăn lớn nhất từ đầu năm đến nay là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Bộ đã đẩy nhanh 7 dự án và đã cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả gồm âu thuyền Ninh Quới; Trạm bơm Xuân Hòa; Nạo vét kênh Mây Phốp-Ngã Hậu; kênh Cửa Đạt; hồ Nước Trong; hồ Sông Ray và hồ Ngàn Trươi. Với hợp phần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo giải ngân 100% vốn kế hoạch năm nay.
Về hợp phần đền bù, di dân, tái định cư (giải phóng mặt bằng), vốn kế hoạch 2020 hiện nay là 1.881 tỷ đồng, thực tế giao đầu năm là 2.104 tỷ đồng, do giải phóng mặt bằng giải ngân chậm nên phải chuyển 223 tỷ đồng sang hợp phần xây dựng để hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, hợp phần giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu tập trung 3 dự án có khối lượng di dân, giải phóng mặt bằng lớn là Hồ Cánh Tạng, Hồ Krông Pách Thượng, Hồ Bản Mồng.
Riêng khâu này, hiện dự án Hồ Cánh Tạng mới giải ngân đạt 45,4%, Hồ Bản Mồng đạt 18%, Hồ Krông Pách Thượng đạt 22%. Ngoài ra là những khó khăn do vướng trong chuyển đổi đất rừng, đất lúa.
Với các dự án vốn ODA, năm nay, Bộ được giao 3.638 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế của các các dự án là 1.830 tỷ đồng, dư án không có nhu cầu sử dụng là 1.808 tỷ đồng. Bộ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho đơn vị khác. Kết quả giải ngân 7 tháng nguồn vốn này là 754 tỷ đồng, đạt 31,1%.
Với các dự án vốn ngân sách tập trung, tổng vốn được giao là 1.660 tỷ đồng, trong 7 tháng, Bộ đã giải ngân 416 tỷ đồng, đạt 25%. Bộ đặt mục tiêu cuối năm giải ngân đạt 97% vốn kế hoạch.
Tính chung các nguồn vốn, đến hết tháng Bảy vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân đạt 36,6%; dự kiến 9 tháng sẽ đạt 61,2% và cả năm sẽ đạt 94,1%.
Với kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá khác với các dự án giao thông, quy mô dự án của ngành nông nghiệp rộng, gắn với sinh kế người dân, do đó phải triển khai rất nhiều việc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực triển khai và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là Bộ đi đầu với việc xác định sớm về việc giải ngân vốn ODA và ngay từ đầu năm có ý kiến sớm về việc trả lại nguồn vốn này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công của ngành không chỉ là báo cáo tiến độ, quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư của các dự án đó.
Đặc biệt những công trình kiểm soát mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã được đẩy nhanh tiến độ, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hạn, mặn kỷ lục đầu năm. Điều này cũng góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Thời gian tới, Bộ phấn đấu hoàn thành không chỉ tốt về thời gian mà còn về chất lượng.
Để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Chính phủ cho phép cách ly trong phạm vi công trường xây dựng, mỗi công trường là một khu vực cách ly khi phải cách ly.
Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chuyển 1.808 tỷ đồng vốn nước ngoài không có nhu cầu của Bộ cho các chương trình khác; chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt là 3 công trình lớn gồm: Hồ Cánh Tạng, hồ Bản Mồng và hồ Krông Pách Thượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hợp phần xây lắp phù hợp với thời gian giải phóng mặt bằng đối với dự án do địa phương triển khai chậm hoặc thiếu vốn đối ứng giải phóng mặt bằng.
Bộ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2016-2020 linh hoạt, kịp thời, không nhất thiết phải chờ đủ đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương để trình như vừa qua.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được phân bổ là 70.018,4 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các dự án là 69.921,4 tỷ đồng, vốn đã được giao hàng năm 2016-2020 là 62.012,8 tỷ đồng (bao gồm cả 10% dự phòng). Tỷ lệ giải ngân hàng năm của Bộ đạt trung bình 90%.
Đến ngày 31/7 vừa qua, Bộ còn 17.956 tỷ đồng (25,7%) vốn trung hạn chưa giải ngân, gồm 10.047,4 tỷ đồng sẽ giải ngân trong 5 tháng cuối năm nay và 7.908,6 tỷ đồng sẽ giao vốn và giải ngân trong năm 2021.
Về nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở tổng hợp đề xuất đầu tư của các địa phương, đơn vị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã rà soát, đề xuất tổng nhu cầu lần 1 là 143.694 tỷ đồng cho 515 dự án./.