87 DN Nhật Bản đầu tiên nhận trợ cấp để rút khỏi Trung Quốc, có DN đến thẳng Việt Nam

19/07/2020 08:41 GMT+7
Hôm 17/7, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố danh sách các công ty Nhật Bản đầu tiên nhận được trợ cấp chính phủ sau khi chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý, trong số đó có công ty đã rời đến Việt Nam.
87 DN Nhật Bản nhận trợ cấp để rút khỏi Trung Quốc, có DN đến thẳng Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 4 đã dùng khoản trợ cấp hàng trăm tỷ JPY để kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tránh xa thị trường Trung Quốc,

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản , 87 công ty Nhật Bản sẽ nhận được khoản trợ cấp tổng cộng 70 tỷ JPY (653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về quê hương hoặc sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam.

Các công ty đủ điều kiện nhận trợ cấp bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng hàng không, phụ tùng ô tô, phân bón, thuốc và các sản phẩm giấy… Loạt đại công ty Nhật như Sharp, Shionogi, Terumo và Kaneka cũng có tên trong danh sách này.

Đây là khoản trợ cấp mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng hứa hẹn để đưa các công ty Nhật “tránh xa” Trung Quốc sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 khiến nước này nhận ra sự phụ thuộc quá mức của chuỗi cung ứng phụ tùng ô tô và các sản phẩm khác vào thị trường Trung Quốc.

Trong cuộc họp Hội đồng Đầu tư Chính phủ hồi tháng 4, ông Abe khi đó đã truyền tải rõ ràng thông điệp kêu gọi các công ty Nhật rời thị trường tỷ dân. “Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước”, ông Abe cho hay. 

“Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khách, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các quốc gia như các nước ASEAN”.

Dự kiến, tổng giá trị gói hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong năm 2020 lên tới 240 tỷ JPY (tức 2,2 tỷ USD). 

Trong đó, khoảng 23,5 tỷ JPY sẽ dành cho việc thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các thị trường Đông Nam Á. 

Và khoản hỗ trợ 70 tỷ JPY cho 87 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên rời Trung Quốc vừa qua mới chỉ chiếm chưa đầy 30% tổng giá trị gói hỗ trợ khổng lồ 240 tỷ JPY này. 

Được biết, 57/87 doanh nghiệp Nhật Bản trong danh sách nhận hỗ trợ sẽ rời dây chuyền sản xuất về quê hương, 30 doanh nghiệp còn lại di chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á khác. 

Có doanh nghiệp đã lên kế hoạch chọn Việt Nam làm điểm dừng chân mới. Đơn cử, công ty vật liệu điện tử Shin-Etsu Chemical dự kiến sẽ sản xuất nam châm đất hiếm tại Việt Nam. Hoya, nhà sản xuất các linh kiện ổ cứng cũng sẽ chuyển sản xuất đến Việt Nam và Lào. 

Một số tìm kiếm cơ hội mới ở các quốc gia như Malaysia, Thái Lan...

Hồi cuối tháng 4, nhà sản xuất hàng gia dụng Iris Ohyama là công ty Nhật Bản đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi rút chân khỏi Trung Quốc. Iris Ohyama trước đó đặt dây chuyền sản xuất khẩu trang tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và thành phố Tô Châu, phía Tây Thượng Hải. Quá trình sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung nguyên vật liệu tại chính thị trường Trung Quốc.

Với khoản trợ cấp nhận được từ chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, Iris Ohyama đã rời nhà máy về tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản từ tháng 6 vừa qua. Nhà máy Kakuda nơi Iris Ohyama dừng chân dự kiến sẽ đảm bảo dây chuyền sản xuất khép kín, hoàn toàn độc lập với các nhà cung cấp nước ngoài. Iris Ohyama đặt mục tiêu sản xuất 150 triệu khẩu trang y tế mỗi tháng kể từ tháng 8/2020. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục