Doanh nghiệp Nhật Bản “xâm nhập” thị trường bất động sản Đà Nẵng
Đánh thức một vùng đất
Một doanh nghiệp môi giới bất động sản cho rằng, còn quá sớm để người ta tin rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đang để mắt đến vùng đất tây bắc của Đà Nẵng. Tuy nhiên, một khi họ đã đầu tư dự án khu du lịch lớn tại khu vực này và gợi mở những cơ hội làm ăn ở phía sau, có thể câu chuyện bất động sản Đà Nẵng sẽ có thêm màu sắc đa dạng mới.Trên các phương tiện truyền thông gần đây, câu chuyện về một đại gia lớn từ Nhật Bản đến Việt Nam và lựa chọn mảnh đất Đà Nẵng làm nơi rót vốn đầu tư đã được nhắc đến nhiều lần. Vị đại gia ấy là ông Yoshio Odaka, người sáng tập Tập đoàn du lịch MIKazuki nổi tiếng xứ Phù Tang.
Năm 2017, ông Yoshio Odaka đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, và Đà Nẵng là nơi ông chọn cho dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của mình. Ngày 28/3 vừa qua, người cháu của ông là Yoshimune Odaka, Tổng giám đốc Tập đoàn MIKazuki, đã khởi công xây dựng dự án khu du lịch Xuân Thiều.
Xuân Thiều là vùng đất nằm ở phía Nam đèo Hải Vân, một địa chỉ du lịch đã từng được người Mỹ nhắc đến. Người Nhật tiếp quản dự án khu du lịch Xuân Thiều, đưa vào đó một số hạng mục mới như bể bơi vô cực nước nóng, khách sạn có phòng ngủ hướng về phía mặt trời… Đây là những yếu tố du khách Nhật thích thú.
“Chúng tôi muốn biến Đà Nẵng thành địa chỉ để du khách tận hưởng trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, từ các siêu thị bán hàng đến các nhà hàng ăn uống. Khu du lịch Xuân Thiều thể hiện ước mơ đó”, ông Yoshimune Odaka nói như vậy.
Với dự án này, nhà đầu tư Nhật Bản kỳ vọng thúc đẩy thay đổi nhanh hướng đầu tư vào vùng trục tây bắc Đà Nẵng. Từ vị trí khu du lịch Xuân Thiều đi ngược về phía tây là địa phận Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên (Liên Chiểu), nơi đang tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất quy mô, công nghệ cao và khu đô thị mới hiện đại cho Đà Nẵng.
Tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ biến nơi này thành một đô thị kiểu mẫu để phát triển nhân lực mới, thu hút cả triệu con người từ nơi khác về định cư. Quy hoạch đó đang được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Theo họ, nếu thành công, cả một vùng đất dọc dòng sông Cu Đê sẽ biến thành một Đà Nẵng thứ hai.
Bất động sản lên ngôi?
Trước khi Tập đoàn Mikazuki đầu tư vào khu du lịch Xuân Thiều, giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng từng biết đến ý tưởng của người Nhật khi tham gia vào dự án Cánh đồng thiêng, một dự án khai thác đất nền bất động sản lớn mà tập đoàn Tân Cường Thành từng đề xuất.
Tiếp đó, câu chuyện các nhà đầu tư Nhật ngỏ ý với dự án Golden Hills Đà Nẵng, đặt vấn đề về hướng đô thị hóa quanh đường vành đai đường tránh Đà Nẵng. Dự án khu du lịch Xuân Thiều chính là bước tiếp theo hiện thực ý tưởng đó.
Đất nền khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang tiếp tục "sốt" với những dự án đầu tư.
Nhìn xa hơn, người Đà Nẵng có thể tìm thấy bóng dáng người Nhật đang tham gia vào chiến lược phát triển vùng công nghệ cao Hòa Liên và xây dựng cảng Liên Chiểu. Chạy theo dòng Cu Đê có những ý tưởng về các dự án khu du lịch nhỏ hơn, và dự án sản xuất nông nghiệp tập trung do người Nhật bàn tới. Đối xứng với khu du lịch Bà Nà Hills, người Nhật đang góp sức đầu tư vào khu du lịch Núi Thần Tài, mở ra một hướng khai thác khách hàng Nhật đầy tiềm năng.
Điểm lại những dấu ấn đó có thể thấy nhà đầu tư Nhật Bản đang góp phần làm cho Đà Nẵng hiện thực hóa giấc mơ đô thị vùng tây bắc nhanh hơn, và điều tất yếu là các dự án bất động sản cũng được tính đến.
Chưa đầy hai năm, cả trục tây bắc đã lên cơn sốt đất, giá đất nền không ngừng tăng nhanh. Cơn sốt này đang có dấu hiệu lắng xuống khi các dự án đầu tư sản xuất được coi trọng ở đây, kéo theo là định dạng cơ hội đầu tư hạ tầng của những nhà đầu tư Nhật Bản.
Nhiều người đang kỳ vọng, với sự tham gia đầu tư của người Nhật, những tiểu khu đô thị nhấn mạnh đến yếu tố thiên nhiên sẽ sớm hình thành. Việc nhà đầu tư MIKazuki Nhật Bản mở rộng khu du lịch Xuân Thiều đang được giới đầu tư bất động sản Đà Nẵng nhìn nhận như một cái then mới, mở ra sự thay đổi lớn về phía tây thành phố.