Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên rút chân khỏi Trung Quốc
Bắt đầu từ tháng 6/2020, Iris Ohyama sẽ sản xuất khẩu trang tại nhà máy Kakuda, tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Nhà máy này sẽ đảm bảo dây chuyền sản xuất hoàn thiện sản phẩm khẩu trang, bao gồm cả khẩu trang y tế từ vải không dệt, hoàn toàn độc lập với các nhà cung cấp nước ngoài. Iris Ohyama đặt mục tiêu sản xuất 150 triệu khẩu trang y tế mỗi tháng kể từ tháng 8/2020.
Iris Ohyama hiện đang sở hữu các nhà máy sản xuất khẩu trang tại Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) và Tô Châu (phía Tây Thượng Hải), Trung Quốc.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản tuyên bố dành hơn 240 tỷ JPY (khoảng 2,2 tỷ USD) trong phân bổ ngân sách bổ sung năm tài khóa 2020 để trợ cấp các doanh nghiệp Nhật Bản tái cấu trúc chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Iris Ohyama dự định sẽ sử dụng khoản trợ cấp từ chính phủ để tái phân bổ chuỗi cung ứng, phát triển dây chuyền sản xuất khẩu trang ở Nhật Bản. Dự kiến, tổng vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy sản xuất khẩu trang tại Nhật Bản lên tới 3 tỷ JPY. Iris Ohyama kỳ vọng sẽ nhận được khoản trợ cấp khoảng 75% tổng vốn đầu tư, tương đương 2,25 tỷ JPY.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm ngừng trệ chuỗi cung ứng toàn cầu, phơi bày những lỗ hổng của các công ty Nhật Bản, vốn có sự phụ thuộc và gắn bó lớn với thị trường Trung Quốc. Ước tính, hơn 20% nhu cầu linh kiện, vật liệu của các công ty Nhật Bản được cung cấp bởi những đối tác Trung Quốc. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát buộc Bắc Kinh phong tỏa nhiều tỉnh thành Trung Quốc, khiến 80% nền kinh tế Trung Quốc tê liệt nhiều tuần liền, các công ty Nhật Bản phải hứng chịu hệ lụy nặng nề.
Trong cuộc họp Hội đồng Đầu tư Chính phủ Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng cũng chính là Thủ tướng Shinzo Abe đã lên tiếng kêu gọi các nhà máy sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn quay trở lại Nhật Bản, nhằm tránh sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. “Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước” - ông Abe cho hay. “Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các quốc gia như các nước ASEAN”.
Iris Ohyama hiện là doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi “tránh xa Trung Quốc”, “trở lại Nhật Bản” của Thủ tướng Shinzo Abe. Chưa rõ khoản trợ cấp mà chính phủ Nhật Bản dành cho Iris Ohyama là bao nhiêu, nhưng động thái của Iris Ohyama có thể sẽ tiên phong cho làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Chính quyền ông Abe cũng hướng tới hỗ trợ ngành công nghiệp phụ tùng ô tô và linh kiện điện tử bị ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nói riêng và trên toàn cầu nói chung.