Nghịch lý 2 thái cực lợi nhuận của doanh nghiệp ngành than: "tăng sốc - giảm sốc", có gì bất thường?
Điểm tích cực nhất trên báo cáo tài chính các doanh nghiệp ngành than là vay nợ ngắn, dài hạn giảm mạnh ở hầu hết các doanh nghiệp trong quý II và 6 tháng đầu năm. Điều này đồng nghĩa một lượng tiền lớn đã được các doanh nghiệp ngành Than chi ra để tất toán các khoản vay. Nợ gốc giảm, chi phí tài chính giảm, và áp lực trả nợ cho các kỳ tiếp theo giảm.
Doanh nghiệp ngành than đua nhau báo giảm lợi nhuận
Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp ngành than trong quý II và 6 tháng năm 2022 cho thấy, dù sản lượng tiêu thụ đạt/vượt kế hoạch đề ra, chi phí lãi vay giảm nhưng lợi nhuận vẫn giảm sốc, đặc biệt giảm mạnh trong quý II/2022.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, lý do cơ bản dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp ngành than giảm mạnh trong quý II/2022 ảnh hưởng đến kết quả chung 6 tháng đầu năm là chi phí sản xuất tăng.
Lãnh đạo doanh nghiệp ngành than niêm yết trên sàn chứng khoán có lợi nhuận giảm trên 10% cho biết: Quý II/2022 Công ty điều hành sản xuất theo hướng tiết giảm chi phí, sự chỉ đạo của Tập đoàn công nghiệp - than khoáng sản Việt Nam cũng như của Hội đồng quản trị và ban Giám đốc Công ty. Mặt khác, Công ty đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên do xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá hàng hóa, trong đó có giá xăng dầu tăng. Vì vậy, Công ty gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành tiêu thụ sản phẩm.
Giá thành sản phẩm than trong quý II/2022 của công ty này đã tăng 122.672 đồng/tấn. Cụ thể, giá thành tiêu thụ bình quân quý II/2022 là 1.781.309 đồng/tấn, giá thành tiêu thụ bình quân quý II/2021 là 1.658.637 đồng/tấn.
Báo cáo tài chính quý II/2022 của Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (HNX: MVB) cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ hay hợp nhất đều giảm mạnh cho kỳ 6 tháng, lần lượt -52% và -41% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, Mỏ Việt Bắc đạt gần 135 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Công ty Than Đèo Nai (HNX: TDN) ghi nhận kết quả lợi nhuận sau thuế cho quý II/2022 và 6 tháng đầu năm sụt giảm đến 70% thậm chí hơn 99% do chi phí thuế và chi phí đầu vào tăng cao. Cụ thể, trong quý II/2022 lợi nhuận TDN 452 triệu đồng, giảm hơn 15 tỷ đồng so với quý II/2021; luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Than Đèo Nai cũng chỉ có lợi nhuận khoảng 6,3 tỷ đồng, giảm 14,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Than Hà Tu (HNX: THT) báo lãi quý II/2022 giảm mạnh 41,5%. Tuy nhiên nhờ kết quả đạt được trong quý I/2022, vì vậy, 6 tháng năm 2022 Than Hà Tu ghi nhận lợi nhuận giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng vẫn có loạt doanh nghiệp ngành than báo lãi đậm
Công ty Than Vàng Danh (HNX: TVD) trong quý II/2022 báo lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, qua đó đưa lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng 43%, đạt 38 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Báo cáo của Than Vàng Danh cho thấy, dù biên lợi nhuận gộp trong kỳ sụt giảm nhẹ, do giá vốn hàng bán tăng nhưng doanh thu tăng mạnh đã giúp Than Vàng Danh lãi lớn.
Tương tự, Công ty Than Cao Sơn (UpCOM: CST) cũng có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 96,4 tỷ đồng, tăng 35,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Than Cao Sơn cho biết, sản lượng tiêu thụ tăng là mấu chốt giúp Than Cao Sơn có lãi đột biến trong kỳ.
Một công ty khác trong ngành than có lợi nhuận tăng là Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc (HNX; TMB), lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2022 là 77,1 tỷ đồng, tăng 37,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giải trình kết quả kinh doanh tăng mạnh, Than Miền Bắc cho biết do lợi nhuận gộp tăng mạnh, doanh thu hoạt động tài chính tăng.
Giá than xuất nhập khẩu cao chót vót, nhiệt điện thiếu than
Liên quan đến giá than, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022, giá than thế giới có biến động tăng do nhu cầu nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước suy giảm về lượng xuất khẩu.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7/2022, kim ngạch nhập khẩu than vào khoảng 4,7 tỷ USD, bình quân khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).
Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu than cũng suy giảm về lượng, nhưng tăng nhẹ về kim ngạch. Hết ngày 15/7, xuất khẩu than của Việt Nam đạt 762.000 tấn, giảm hơn 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt hơn 251 triệu USD, tăng hơn 130 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Giá than xuất khẩu bình quân là 7,5 triệu đồng/tấn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước (2,8 triệu đồng/tấn).
Hiện, mức chênh lệch giữa giá bình quân xuất khẩu và nhập khẩu than của Việt Nam là khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu than giảm, trong khi than nhập có chiều hướng gia tăng.
Trong đó nhập khẩu than từ Indonesia là 5,6 triệu tấn, kim ngạch 996 triệu USD, bình quân là khoảng 4 triệu đồng/tấn; than nhập Nga là 1,4 triệu tấn, kim ngạch hơn 404 triệu USD (bình quân giá nhập khoảng 6,6 triệu đồng/tấn); than nhập Trung Quốc là 513.000 tấn, kim ngạch hơn 272 triệu USD (bình quân giá nhập cao nhất khoảng 12,2 triệu đồng/tấn).
Một chi tiết liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp ngành than là nhu cầu than trong nước đang rất lớn, trong tháng 7/2022, Bộ Công Thương cho biết, nhập khẩu than của Việt Nam cho các nhà máy nhiệt điện đã tăng gần 123%.
Đáng nói, tháng 3 - 4 vừa qua đã xảy ra tình trạng căng thẳng nguồn than phục vụ cho hoạt động, nhiều nhà máy nhiệt điện than phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu phải tạm dừng hoạt động như: Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, nhà máy Duyên Hải 1 và Nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than cho 1 trong 4 tổ máy.