Ngô đắt, nhập tấm Ấn Độ tăng vọt, Việt Nam hy vọng kìm giá thức ăn chăn nuôi

27/04/2022 15:52 GMT+7
Giá nông sản thế giới hiện đang tiến tới gần mức cao nhất trong một thập kỉ qua và gây ra không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung đầu vào nhập khẩu ở nước ta.
Ngô đắt, nhập tấm Ấn Độ tăng vọt, Việt Nam hy vọng kìm giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu ngô về cảng miền Bắc giảm tới 30% so với cùng kì năm 2021.

Hạn hán ở Brazil đến sớm, tiến độ gieo trồng ngô ở Mỹ chậm

Tại sao giai đoạn này được xem là bước đệm quan trọng đối với xu hướng giá nguyên liệu và ảnh hưởng rất lớn tới chi phí của các doanh nghiệp chăn nuôi?

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, nếu như thuật ngữ “Sell in May (bán vào tháng 5)” rất phổ biến để nói mùa suy giảm của thị trường chứng khoán thì đối với thị trường hàng hoá, cụ thể là nhóm nông sản, cuối quý II hàng năm thường là giai đoạn tăng giá, tạo đỉnh của các mặt hàng như ngô, đậu tương,…

Nguyên nhân chính lý giải cho sự biến động theo mùa này là bởi mùa vụ ở các nước sản xuất chính đều đang bước vào giai đoạn quan trọng. Với bất kể mặt hàng nông sản nào, thời tiết luôn là yếu tố rủi ro nhất và gần như không thể kiểm soát. Và vào thời điểm này, Mỹ và Brazil, 2 cường quốc nông nghiệp trên thế giới đều đang đứng trước những lo ngại trong thời kỳ phát triển quan trọng của cây trồng.

Tại Brazil, quốc gia này gieo trồng 2 vụ ngô hằng năm, chiếm hơn 20% xuất khẩu của thế giới. Vụ thứ 1 đã thu hoạch nhưng vụ thứ 2, chiếm phần lớn tổng sản lượng vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển.

Năm ngoái, mô hình thời tiết La Nina xuất hiện khiến khô hạn xảy ra đã gây ra thiệt hại nặng nề tới vụ ngô của Brazil. Năm nay, mặc dù được gieo trồng trong thời gian lý tưởng hơn, nhưng triển vọng thời tiết sắp tới lại đang kém khả quan do mùa khô hằng năm bắt đầu sớm hơn. Tại nhiều khu vực, đã không có lượng mưa nào đáng kể trong 15 ngày qua. Ở những vùng khô hạn nhất, trận mưa cuối cùng đã cách đây 3 – 4 tuần.

Trên thực tế, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Brazil (Inmet) cho biết mùa khô đã bắt đầu ở miền trung Brazil. Mùa khô đã bắt đầu sớm hơn bình thường từ 2 – 4 tuần trong năm nay. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến vụ ngô thứ 2, nhất là khi cây đang trong giai đoạn phát triển quan trọng và cần nhiều nước.

Còn Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất ngô. Chi phí phân bón toàn cầu tăng cao khiến cho diện tích ngô năm 2022 được dự báo sẽ giảm mạnh. Đây cũng là yếu tố khiến cho giá ngô đã liên tục tăng kể từ đầu tháng 3 cho tới nay. Với triển vọng giá phân bón vẫn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga và Ukraine, năng suất ngô Mỹ cũng sẽ khó đạt được con số khả quan, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam cho biết.

Không những thế, báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho thấy hoạt động gieo trồng đang liên tục gặp bất lợi. Tiến độ mùa vụ đang ở mức chậm nhất kể từ năm 2013 đến nay do mưa lớn và lũ lụt ở khu vực Vành đai ngô, nơi sản xuất hơn 90% sản lượng ngô của Mỹ.

Đâu sẽ là yếu tố có thể cản lại đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi?

Tuy còn quá sớm để đánh giá chính xác tác hại của thời tiết nhưng đứng trước nhiều rủi ro nêu trên, giá ngô vẫn có thể bước vào chu kỳ tăng giá mạnh vào cuối quý II này như diễn biến thường thấy trong những năm qua.

Trong thời gian qua, giá cám chăn nuôi tại nước ta cũng chịu nhiều tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng do những biến động của thị trường thế giới, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản xuất chăn nuôi.

Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu ngô về cảng miền Bắc giảm tới 30% so với cùng kì năm 2021. Giao dịch mua ngô đang có xu hướng chậm lại, các nhà máy chờ theo dõi thêm tình hình thời tiết tại Mỹ và Nam Mỹ để ra các quyết định mua hàng tiếp theo.

Thay vào đó, nhập tấm Ấn Độ của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng vọt trong năm nay, ghi nhận con số khoảng 80,000 tấn trong 4 tháng đầu năm, gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Đây được xem là nguồn cung thay thế có chi phí hợp lý hơn trong bối cảnh giá ngô nhập khẩu đang ở mức cao.

Ngô đắt, nhập tấm Ấn Độ tăng vọt, Việt Nam hy vọng kìm giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh 2.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi.

Sau nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, hiện nay Việt Nam hầu như không còn sản xuất gạo chất lượng thấp, ngay cả gạo tấm Việt Nam cũng là gạo tấm chất lượng cao, phục vụ con người và có giá bán từ 430-450 USD/tấn. Trong khi các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu gạo tấm chất lượng thấp, lại mua được với giá rẻ của Ấn Độ, chênh tới cả hơn trăm USD/tấn thì việc nhập tấm cho chế biến có thể hy vọng giúp kìm giá thức ăn chăn nuôi.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, lĩnh vực chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Cơ quan này dự đoán thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Giá thức ăn thành phẩm phi mã đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ. Bởi thực tế, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi, giống chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 3/2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 412,8 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 21,7% so với cùng kì năm 2021. Tính chung cả quý I/2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 1,04 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2021.

Các doanh nghiệp cũng đã có đợt điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi lần thứ 11 kể từ cuối năm 2020. Cụ thể, kể từ ngày 1/4, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi như CJ Vina Agri, Greenfeed hay C.P Việt Nam… đã thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi thêm 300 – 500 đồng/kg do giá nguyên liệu biến động tăng mạnh.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục