Giá ngô Trung Quốc tăng, sắn Việt thêm cơ hội xuất khẩu

05/06/2020 14:26 GMT+7
Xuất khẩu sắn lát vẫn có nhiều triển vọng trong thời gian tới khi giá ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng mua sắn lát Việt Nam và Thái Lan nhiều hơn.
Giá ngô Trung Quốc tăng, sắn Việt thêm cơ hội xuất khẩu - Ảnh 1.

Công chức Hải quan Nà Nưa kiểm tra mặt hàng sắn lát xuất khẩu. Ảnh: Hồng Nụ.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm ước đạt 1,27 triệu tấn, tương đương 436 triệu USD, tăng 20% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 5 tháng đầu năm ước đạt 342 USD/tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trong xuất khẩu sắn 5 tháng qua, đáng chú ý là xuất khẩu sắn lát ước đạt 375 nghìn tấn, tương đương 83 triệu USD, tăng tới 72% về lượng và 88,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 5 tháng ở mức 222 USD/tấn, tăng 9,5%.

Ngay tại thị trường nội địa, giá sắn lát tháng 5 cũng tăng mạnh ở mức 2.900-2.950 đồng/kg do nguồn cung sắn nguyên liệu và lượng tồn kho đạt thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu tăng cao.

Trái ngược với sắn lát, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn lại chỉ đạt 391,3 USD/tấn, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong những tháng đầu năm 2020. Cụ thể, tổng sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm đạt 959,2 nghìn tấn, tương tương 324,7 triệu USD, tăng 15% về sản lượng và tăng 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Dự báo, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới khi giá ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp.

Bên cạnh đó, nhu cầu từ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tăng, cộng thêm giá cồn từ ngô và sắn đang tăng mạnh trở lại trong bối cảnh nguồn cung cồn giao ngay đạt thấp nên các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng mua sắn lát Việt Nam và Thái Lan nhiều hơn.

Trong khi đó, giá xuất khẩu tinh bột sắn đang có xu hướng giảm do giá bán phía Trung Quốc thấp hơn khi thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn chậm lại. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động do nhu cầu tiêu thụ bún, miến, phở giảm mạnh.

Theo Thanh Nguyên/Báo Hải Quan
Cùng chuyên mục