Người đứng tên sổ đỏ có quyền gì?

24/09/2020 20:45 GMT+7
Về cơ bản người đứng tên trong sổ đỏ có các quyền của chủ sở hữu tài sản là bất động sản bao gồm: Sử dụng và định đoạt (mua bán, cho thuê, chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế…) theo quy định của pháp luật.

Theo quy định pháp luật: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (tên gọi chính thức đầy đủ từ năm 2009 và gọi tắt là Giấy chứng nhận) được xem là chứng thư có giá trị pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

“Giấy chứng nhận” có nhiều tên gọi khác nhau như: Giấy chứng nhận bất động sản hay nhiều tên gọi khác theo từng thời kỳ như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hay thường gọi nhất là sổ đỏ, sổ hồng.

Người đứng tên sổ đỏ có quyền gì? - Ảnh 1.

Về cơ bản người đứng tên trong sổ đỏ, sổ hồng có các quyền của chủ sở hữu tài sản là bất động sản

Theo quy định giấy chứng nhận này có thể được ghi tên dưới hai hình thức đó là: sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ ghi tên cá nhân/tổ chức (nếu là tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu)

Việc ghi nhận tên của cá nhân, tổ chức hay sổ đỏ ghi hộ gia đình trên giấy chứng nhận được xem là căn cứ xác lập và bảo vệ quyền cho người sử dụng đất. Hay nói cách khác đây là căn cứ chứng minh chủ sở hữu bất động sản là ai, bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu bất động sản hợp pháp trong vấn đề sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Theo quy định chủ sở hữu nhà đất hợp pháp là sẽ là người đứng tên trong sổ đỏ, sổ hồng và người đứng tên trong sổ đỏ có quyền gì? Pháp luật xác định người đứng tên quyền sử dụng đất có các quyền lợi được ghi nhận tại:

Điều 166 Luật Đất đai quy định về quyền chung của người sử dụng đất:

“1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

Điều 10 Luật nhà ở 2014 ghi nhận về Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở bao gồm:

“1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;

d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

đ) Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp là chủ sở hữu nhà chung cư thì có quyền sở hữu, sử dụng chung đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư và các công trình hạ tầng sử dụng chung của khu nhà chung cư đó, trừ các công trình được xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở;

e) Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng;

g) Được bồi thường theo quy định của luật khi Nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng nhà ở hoặc được Nhà nước thanh toán theo giá thị trường khi Nhà nước mua trước nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.”

Như vậy, về cơ bản người đứng tên trong sổ đỏ, sổ hồng có các quyền của chủ sở hữu tài sản là bất động sản bao gồm: Sử dụng và định đoạt (mua bán, cho thuê, chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế…) theo quy định của pháp luật.

A.Vũ
Cùng chuyên mục