Người giàu nhất Singapore kiếm thêm 3,5 tỷ USD nhờ bán máy thở trong dịch Covid-19

03/04/2020 16:33 GMT+7
Khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt quá 1 triệu người với 52.000 ca tử vong, các quốc gia đang tăng cường nguồn cung máy thở trong nỗ lực cứu sống bệnh nhân. Tờ Bloomberg đưa tin 3 nhà sáng lập một công ty sản xuất máy thở đã chứng kiến tài sản tăng vọt 7 tỷ USD khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Người giàu nhất Singapore kiếm thêm 3,5 tỷ USD nhờ bán máy thở trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch Mindray Li Xiting chứng kiến khối tài sản tăng 3,5 tỷ USD khi các đơn hàng máy thở tăng vọt

Cổ phiếu Công ty Thiết bị Y tế Điện tử Thâm Quyến Mindray - Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics Co. (gọi tắt là Mindray) đã tăng 40% kể từ đầu năm 2020, do các đơn hàng thiết bị máy thở tăng đột biến.

Chủ tịch Mindray Li Xiting, người giàu nhất Singapore đã có thêm 3,5 tỷ USD trong tổng tài sản tình từ đầu năm đến nay, đưa khối tài sản lên 12,5 tỷ USD vào hôm 2/4, theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index. Thậm chí, số tài sản tăng thêm của ông Li Xiting còn vượt qua cả người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos với 3,4 tỷ USD trong cùng kỳ. Cổ phiếu Amazon của tỷ phú Jeff Bezos cũng leo dốc khi nhu cầu mua hàng trực tuyến của người Mỹ tăng cao vì yêu cầu cách ly tại nhà. 

Cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu đã khiến hàng loạt quốc gia rơi vào tình trạng thiếu máy thở do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Các công ty từ Ford Motor đến General Motors đã chuyển đổi dây chuyền sản xuất ô tô thành sản xuất máy thở theo lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump để hỗ trợ ngành y tế đối phó với dịch bệnh. Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo thậm chí cho hay khoảng 6 ngày nữa, New York sẽ cạn kiệt nguồn cung máy thở.

Hiệp hội hồi sức cấp cứu Mỹ ước tính nguy cơ có tới 960.000 bệnh nhân sẽ cần hỗ trợ máy thở ở Mỹ khi số ca nhiễm bệnh tăng lên, nhưng nước Mỹ hiện chỉ có 200.000 máy thở như vậy. Tại Italy, quốc gia có nhiều ca tử vong nhất trên toàn cầu, tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng buộc các bác sĩ phải phân loại bệnh nhân, để dùng máy thở cho bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng hơn cả. 

Mindray, công ty sản xuất máy thở Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp được lợi trong hoàn cảnh thiếu cung máy thở toàn cầu. Cho đến cuối tháng 2, máy thở của Mindray vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA cấp phép vào thị trường. Nhưng trong bối cảnh thiếu máy thở trầm trọng khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan này đã buộc phải cấp phép cho máy thở Mindray vào thị trường thông qua một quy tắc khẩn cấp để giảm bớt tình trạng thiếu hụt. 

Quy tắc khẩn cấp này là một cơ hội cho các sản phẩm máy thở sản xuất tại Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập thị trường Mỹ. Mindray không phải doanh nghiệp máy thở Trung Quốc duy nhất tiến vào Mỹ. Công ty Aeonmed có trụ sở Bắc Kinh cũng được FDA phê duyệt vào tháng trước cho phép cung cấp máy thở vào thị trường Mỹ. Jiangsu Yuyue Medical Equipment & Supply Co.; một nhà sản xuất máy thở khác tại Giang Tô, Trung Quốc cũng chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh 91%, nâng giá trị thị trường lên 5,5 tỷ USD sau khi xuất khẩu máy thở sang thị trường Mỹ.

Trở lại với Mindray, doanh nghiệp có vốn hóa thị trường 44 tỷ USD với 17 công ty con tại Trung Quốc và hệ thống phân phối tại 30 quốc gia trên thế giới, có năng lực sản xuất 3.000 máy thở mỗi tháng. Trước đó, Mindray bị lấn át bởi những gã khổng lồ cung cấp thiết bị và vật tư y tế khác như Medtronic Plc của Ireland. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Mindray có tiềm năng mở rộng thị phần ra nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu…

Trong tuần này, Mindray báo cáo các đơn hàng máy thở từ Châu Âu tăng mạnh. Italy, ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới đã đặt mua lô hàng đầu tiên gồm 10.000 thiết bị máy thở và màn hình chuyên dụng y tế. 

Doanh nghiệp ăn nên làm ra đã thúc đẩy khối tài sản của chủ tịch Li, nhà đồng sáng lập Mindray vào năm 1991 tăng vọt, trái ngược hoàn toàn với những doanh nhân khác trên thế giới. Bill Gates, một trong những tỷ phú giàu nhất hành tinh đã chứng kiến tài sản giảm hơn 15 tỷ USD do cổ phiếu Microsoft tụt mạnh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục