Người trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc làm dù chính phủ công bố tỷ lệ thất nghiệp thấp

15/03/2021 16:42 GMT+7
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những người trẻ Trung Quốc vẫn đang chật vật tìm kiếm việc làm.

Cục Thống kê Quốc gia NBS Trung Quốc hôm 15/3 công bố tỷ lệ thất nghiệp thành thị hiện ở mức 5,5%, tăng nhẹ so với hồi tháng 12 do sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 cao hơn nhiều, lên tới 13,1% trong tháng 2 vừa qua.

Con số này tương đương tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc hồi quý I/2020, thời điểm dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc buộc Chính phủ phong tỏa nhiều tỉnh thành, khiến 85% nền kinh tế tê liệt.

Người trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc làm dù chính phủ công bố tỷ lệ thất nghiệp thấp - Ảnh 1.

Người trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc làm dù chính phủ công bố tỷ lệ thất nghiệp thấp

Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao ở độ tuổi thanh niên là biểu hiện của những thách thức lớn với thị trường lao động mà dịch Covid-19 gây ra. Nhà nghiên cứu kinh tế này nói thêm rằng với tín hiệu thu hẹp các biện pháp kích thích từ chính phủ, doanh nghiệp dường như không muốn lấp đầy các vị trí tuyển dụng khi đà phục hồi có xu hướng chậm lại.

Bắc Kinh đã báo cáo tăng trưởng GDP quốc gia đạt 2,3% trong năm 2020 và đặt mục tiêu tăng trưởng “trên 6%” đầy khiêm tốn cho năm 2021 dù rằng các nhà kinh tế quốc tế dự báo Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng GDP kỷ lục 8,4% trong năm nay. Nguyên nhân chính phủ Trung Quốc đặt ra mức tăng trưởng khiêm tốn như vậy là để tạo điều kiện cho việc tập trung xử lý rủi ro tài chính trong nền kinh tế, đi sâu vào giảm nợ và kiềm chế bong bóng tài sản.

Trong bối cảnh đó, những người trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động.

Số liệu chính thức cho thấy có khoảng 9,09 triệu sinh viên dự kiến sắp tốt nghiệp trong năm nay, vượt qua mức kỷ lục 8,74 triệu hồi năm ngoái. Tức là thị trường việc làm sắp tới sẽ còn ghi nhận sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa.

Trong một đánh giá thường niên về nền kinh tế công bố mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cho hay áp lực trên thị trường lao động đang tăng lên. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, lượng việc làm mới được tạo ra ở khu vực thành thị đã giảm xuống chỉ còn 13,52 triệu công việc trong năm 2019, từ mức 13,61 triệu công việc năm 2018. Năm ngoái, do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 gây áp lực lên nền kinh tế,  chỉ có 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra.

Với việc giảm dần các kích thích tài khóa và tiền tệ, chính phủ Trung Quốc dự báo tạo ra 11 triệu việc làm mới ở thành thị trong năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp 5,5%.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, không thể phủ nhận cho đến nay, Trung Quốc vẫn là một trong những điểm sáng nhất trên đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19. Việc kiểm soát sớm đại dịch Covid-19 cho phép Trung Quốc mở cửa trở lại các nhà máy ở thời điểm mà các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu tiến hành đóng cửa nền kinh tế. Khi nhu cầu toàn cầu về khẩu trang và thiết bị y tế bùng nổ, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất.

Thực tế, Trung Quốc năm 2020 đã vượt qua Mỹ trở thành nước nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất thế giới. Lần đầu tiên danh sách Fortune 500 - 500 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, số doanh nghiệp Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) vượt qua số doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu, thay chân Mỹ. Trên thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn đổ vào chứng khoán Trung Quốc ngày một lớn. Và hoạt động cho vay ra nước ngoài của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển hiện đang tương đương với Ngân hàng Thế giới, theo một nghiên cứu của Đại học Boston.


NTTD
Cùng chuyên mục