Trung Quốc công bố loạt dữ liệu kinh tế tăng nóng, nhưng vẫn tiềm ẩn mầm mống rủi ro

15/03/2021 10:24 GMT+7
Trung Quốc tiếp tục báo cáo loạt dữ liệu kinh tế tăng vọt trong hai tháng đầu năm 2021 như một minh chứng cho mô hình phục hồi chữ V hậu đại dịch Covid-19.

Số liệu chính thức công bố hôm 15/3 cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng đáng kinh ngạc hơn 30% trong hai tháng đầu năm so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định cũng ghi nhận mức tăng vượt trội hơn 30% tương tự.

Theo Bloomberg, đà tăng trưởng các chỉ số kinh tế Trung Quốc là do sản lượng công nghiệp và nhu cầu xuất khẩu bứt phá, trong khi chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Các chỉ số được công bố cụ thể như sau:

Sản lượng công nghiệp tăng 35,1% trong hai tháng đầu năm, vượt qua ước tính trung bình 32,2% của các nhà phân tích Bloomberg.

Doanh số bán lẻ tăng 33,8% trong cùng kỳ, vượt so với dự báo là 32%.

Đầu tư tài sản cố định tăng 35%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 40,9%.

Tỷ lệ thất nghiệp là 5,5% vào cuối tháng 2, tăng từ 5,2% so với tháng 12/2020.

Tỷ giá NDT ít thay đổi ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Trung Quốc công bố loạt dữ liệu kinh tế tăng nóng, nhưng vẫn tiềm ẩn mầm mống rủi ro - Ảnh 1.

Trung Quốc công bố loạt dữ liệu kinh tế tăng nóng

Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong kỳ phản ánh sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.

Đà tăng của doanh số bán lẻ không mạnh mẽ tương đương với sản lượng công nghiệp, cho thấy sức mua của người tiêu dùng vẫn còn yếu tương đối. Theo Cục thống kê, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ bình quân hai tháng đầu năm cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020, sau sự bùng phát đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh đã báo cáo tăng trưởng GDP quốc gia đạt 2,3% trong năm 2020 và đặt mục tiêu tăng trưởng “trên 6%” đầy khiêm tốn cho năm 2021. Tuy nhiên, các nhà kinh tế quốc tế dự báo Trung Quốc có khả năng đạt mức tăng GDP kỷ lục 8,4% trong năm nay.

Nguyên nhân chính phủ Trung Quốc đặt ra mức tăng trưởng khiêm tốn như vậy là để tạo điều kiện cho việc tập trung xử lý rủi ro tài chính trong nền kinh tế, đi sâu vào giảm nợ và kiềm chế bong bóng tài sản. Bắc Kinh đang báo trước một đợt giảm quy mô kích thích tài chính, giảm dần các hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa.

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, gánh nặng nợ của Trung Quốc đã tăng khoảng 30%, trở thành quốc gia mắc nợ nhiều thứ hai sau Mỹ, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức quốc tế đại diện cho các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng nợ của  Trung Quốc trong khu vực phi tài chính - các tập đoàn, hộ gia đình và chính phủ - đã tăng lên 41,6 nghìn tỷ USD trong quý 3/2020. Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ nợ trên GDP quá cao của Trung Quốc là vấn đề được quan tâm bởi toàn thế giới, bởi Trung Quốc hiện chiếm tới 20% tổng nợ toàn cầu. Bất kỳ rủi ro nào với hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Một yếu tố khác có thể đã làm phức tạp mức tăng trưởng kinh tế trong hai tháng đầu năm của Trung Quốc là do chính phủ siết chặt các hạn chế di chuyển trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2. Để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, chính quyền Bắc Kinh đã khuyến khích người dân hạn chế về quê hoặc di chuyển đến các vùng khác, đồng thời khuyến khích công nhân ở lại nhà máy ăn Tết.

Điều đó có thể giúp thúc đẩy sản lượng công nghiệp khi các nhà máy mở cửa xuyên Tết hoặc hoạt động sớm hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Nhưng đồng thời nó cũng làm suy yếu chi tiêu tiêu dùng cho du lịch và hoạt động giải trí như thường thấy trong các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước đây, khi hàng triệu người dân ngừng đặt vé tàu, vé máy bay hay chi tiền cho tiệc tùng, quà tết.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết ngày 8/3/2021, lưu lượng đi lại của người dân Trung Quốc đã giảm tới 41% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm mạnh 71% so với hồi năm 2019.


NTTD
Cùng chuyên mục