Nguy cơ giá dầu chạm đáy 10 USD/ thùng trong tháng 4 bất chấp Trump ra mặt

04/04/2020 06:06 GMT+7
Trong phiên giao dịch 2/4 tại Mỹ, giá dầu đã tăng vọt 20% khi các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ ngày giữa Nga và Saudi Arabia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý. Nhưng các nhà phân tích tiếp tục dự đoán giá dầu Brent có thể giảm sâu xuống 10 USD/ thùng.
Nguy cơ giá dầu chạm đáy 10 USD/ thùng trong tháng 4 bất chấp Trump ra mặt - Ảnh 1.

Giá dầu lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay do chịu sức ép từ cả cung và cầu

Chiều 3/4 theo giờ giao dịch Châu Á, giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 9,92% lên 32,91 USD/ thùng trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,82% lên 26,54 USD/ thùng. Giá dầu tăng vọt sau khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ cuộc trò chuyện với Hoàng tử Saudi Arabia về giá dầu, mở ra triển vọng cắt giảm sâu sản lượng dầu 10-15 triệu thùng/ ngày nhằm bình ổn thị trường dầu sau chuỗi ngày cắm đầu lao dốc.

Nhưng Victor Shum, phó chủ tịch tư vấn năng lượng tại IHS Markit nhận định giá dầu vẫn có nguy cơ chạm đáy 10 USD/ thùng trong tháng 4 và duy trì ở mức đó suốt quý II.

“Có rất ít cơ hội mở ra bất kỳ thỏa thuận nào của OPEC+ để cứu thị trường dầu thô khỏi những thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu cũng là quá muộn để cứu thị trường”. 

Nguy cơ giá dầu chạm đáy 10 USD/ thùng trong tháng 4 bất chấp Trump ra mặt - Ảnh 2.

Nhu cầu dầu thế giới (đường màu vàng) lao dốc trong năm 2020 trong khi nguồn cung dầu thế giới (cột màu xanh) có xu hướng tăng lên

Hợp đồng dầu thô tương lai đã giảm mạnh 50% kể từ đầu năm 2020 đến nay do nhu cầu dầu giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 trong bối cảnh Saudi Arabia thổi bùng cuộc chiến giá dầu với Nga. Saudi Arabia trước đó cho biết nước này sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ ngày ngay từ đầu tháng 4, tăng mạnh từ mức 9,7 triệu thùng/ ngày vào tháng 2. Nước này cũng chủ động giảm giá dầu trong cuộc chiến giá cả với đại gia dầu khí Nga, một đồng minh của OPEC, sau khi Nga từ chối kiến nghị cắt giảm sản lượng dầu 1,5 triệu thùng mà OPEC đề xuất trước đó. Hiện sản lượng dầu của Nga lên tới 11,3 triệu thùng/ ngày.

Giá dầu giảm sâu đến nỗi dầu WTI của Mỹ thủng mốc 20 USD/ thùng, buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải lên tiếng. Ông Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Hoàng tử Saudi Arabia trong nỗ lực đưa cả hai ngồi lại bàn đàm phán. Sau động thái của Trump, Riyadh hiện đang kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các đồng minh, với sự ủng hộ từ Iraq, để thảo luận về thị trường dầu. 

Ông Shum cho rằng rất khó để Saudi Arabia và Nga đồng ý một thỏa thuận cắt giảm đơn phương hoặc song phương 10-15 triệu thùng/ ngày như Trump tiết lộ, nếu không phải là mức cắt giảm phân phối cho các quốc gia thuộc khối OPEC+. “Chúng ta đang nói về một thỏa thuận yêu cầu Saudi Arabia và Nga cắt giảm khoảng 50% sản lượng dầu trở lên (từ mức sản xuất 10-11 triệu thùng/ ngày hiện tại)? Điều đó thật khó tin”. Nhất là khi Mỹ có vẻ sẽ không tham gia vào việc cắt giảm sản lượng như vậy.

“Chúng ta cần mọi quốc gia sản xuất dầu đồng ý cắt giảm và thực thi các biện pháp cắt giảm” nếu muốn hiện thực hóa mức cắt giảm 10-15 triệu thùng để cứu vãn giá dầu, ông Shum nói thêm.

“Trong trường hợp không có dấu hiệu nào từ Nga và Saudi Arabia trong việc thảo luận về cắt giảm sản lượng dầu, đó sẽ là một viễn cảnh khó khăn cho thị trường. Tôi đã tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh giá dầu tàn khốc, khi các nhà sản xuất không bị cản trở bởi bất kỳ hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm nào. Và các nhà sản xuất yếu hơn sẽ phải đóng cửa, đặc biệt là ngành dầu khí đá phiến ở Mỹ”.

Cuộc chiến tranh giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia được cho là sẽ gây tổn thất nặng nề cho các công ty dầu đá phiến của Mỹ, những doanh nghiệp đang phải đối diện với bài toán tài chính khó khăn khi chi phí sản xuất dầu bằng công nghệ đá phiến đắt đỏ tỷ lệ nghịch với giá dầu tụt dốc không phanh. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục