Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì khi Hà Nội tính phương án cho học sinh đi học lại?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 22/09/2021 14:48 PM (GMT+7)
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, không riêng gì Hà Nội mà những tỉnh thành đang có dịch Covid-19 cũng mong chờ ngày học sinh được đến trường.
Bình luận 0

Chiều 20/9, tại Hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: "... Khi được cấp đủ vaccine sẽ tiêm phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cố gắng hoàn thành mục tiêu này vào đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại".

Ngay sau thông tin trên, các bậc phụ huynh bày tỏ niềm vui sướng khi học sinh có thể được quay trở lại trường học, chấm dứt những ngày tháng học online tại nhà.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì khi Hà Nội lên phương án cho học sinh quay trở lại trường? - Ảnh 1.

Một học sinh theo dõi học trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Định Nguyễn

Chia sẻ với PV Dân Việt, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho hay: "Nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn để học sinh đi học thì tốt quá, người dân, học sinh đang rất mong. Từ nay đến tháng 11 còn gần 2 tháng để chuẩn bị trước khi thực hiện. Tuy nhiên, dịch bệnh phải được ngăn chặn, đừng để kéo dài phức tạp như TP.HCM sẽ rất khó".

Đồng quan điểm trên, chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, không riêng gì Hà Nội mà những tỉnh, thành đang có dịch Covid-19 cũng mong chờ dịch bệnh được ngăn chặn, học sinh có thể được đến trường. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì khi Hà Nội lên phương án cho học sinh quay trở lại trường? - Ảnh 2.

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: NVCC

"Đối với trẻ việc học trực tiếp tốt hơn rất nhiều, có sự giao lưu thầy trò, tương tác. Tuy nhiên, Hà Nội thi thoảng vẫn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Việc kiểm soát dịch rất quan trọng. Trường học là nơi tập hợp đông đúc, chỉ cần trong lớp có 1 em F0 thì lớp đó sẽ lây nhiễm cho nhiều học sinh khác. Chính vì vậy, dịch được ngăn chặn hoàn toàn chúng ta mới tính đến việc học sinh đến trường", ông Nhĩ thông tin.

Ông Nhĩ cũng chỉ ra một điều lo ngại là hiện nay chưa có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho lứa tuổi trẻ nhỏ, học sinh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì khi Hà Nội lên phương án cho học sinh quay trở lại trường? - Ảnh 3.

Dạy học qua truyền hình là một trong những kênh dạy học trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Ảnh minh họa dạy học trên truyền hình của Hà Nội năm học 2020-2021. Ảnh: TTXVN

Theo ông Nhĩ, thời gian qua, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, dạy nghề tuy có trục trặc trong đường truyền trong học trực tuyến nhưng vẫn thực hiện được, còn học sinh trung học cơ sở, tiểu học, mầm non cũng học trực tuyến thì không có lợi.

"Đôi mắt trẻ nhỏ rất quan trọng, đôi mắt đang trong quá trình phát triển mà các em cứ nhìn mãi iPad, điện thoại, máy tính mỗi ngày suốt mấy tiếng như vậy sẽ hoa mắt", ông Nhĩ chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói thêm: "Trong giai đoạn này học từ xa, tốt nhất nên học qua truyền hình. Tại Hà Nội, hệ thống truyền hình tại đây rất tốt với nhiều kênh cùng Đài Phát thanh – Truyền hình. Học sinh lớp 1 và các lớp nhìn qua truyền hình sẽ đỡ mỏi mắt, sinh động, và đường truyền ổn định hơn. Đôi mắt được bảo vệ tốt hơn".

Trước băn khoăn nếu học qua truyền hình học sinh dễ thụ động, thậm chí không sát sao, ông Nhĩ nhận định: "Nếu học qua truyền hình, giáo viên ra bài tập, quản lý môn học rồi thì giáo viên chủ nhiệm sẽ sát sao với học sinh hơn… Khi dịch tương đối ổn định, có thể tổ chức theo từng nhóm học 5-7 em và có sự hỗ trợ của giáo viên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem