Nhà đầu tư giải đáp thắc mắc việc sử dụng 71,5 ha khu xử lý chất thải Dung Quất
Làm việc với PV Etime, đại diện Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị (gọi tắt Công ty MTĐT) Quảng Ngãi (nhà đầu tư) khu xử lý chất thải Dung Quất, đã cung cấp thông tin và trả lời tất cả nội dung câu hỏi, liên quan đến việc sử dụng diện tích 71,5 ha của dự án.
Cụ thể, trong đề xuất đầu tư dự án, mà Công ty MTĐT Quảng Ngãi trình cấp thẩm quyền tỉnh, số diện tích 71,5 ha của khu xử lý chất thải Dung Quất, được chia làm 7 khu vực, để thi công và xây dựng các hạng mục khác nhau.
Trong số diện tích dự kiến sử dụng của dự án (71,5ha), phần diện tích sử dụng nhiều nhất là đất cây xanh, mặt nước, khoảng 291.000m2 và đất giao thông khoảng 188.000m2, chiếm tỷ lệ gần 67%.
Các hạng mục còn lại, gồm khu chôn lấp chất thải rắn có diện tích 110.241m2; khu xử lý khoảng 86.500m2; khu lò đốt chất thải rắn gần 23.700m2; khu tái chế chất thải rắn khoảng 13.536m2 và nhà điều hành hơn 3.177m2.
Về thắc mắc cho rằng, trong diện tích dự án (71,5ha), ước chiếm hơn ½ là mỏ đá nằm phía dưới, liệu nhà đầu tư có "tận dụng" khai thác để làm vật liệu xây dựng (?), lãnh đạo Công ty MTĐT Quảng Ngãi khẳng định, dự án đề xuất đầu tư là khu xử lý chất thải tổng hợp, chứ không phải là khai thác khoảng sản (đá).
Hơn nữa, theo Công ty MTĐT Quảng Ngãi, khu vực này (vị trí xin triển khai dự án), không có và không nằm trong quy hoạch cho phép khai thác đá, để làm vật liệu xây dựng.
Qua kết quả kiểm tra ban đầu, đá nằm trong khu vực đề xuất thực hiện khu xử lý chất thải Dung Quất, là đá đã phân hoá, nên không thể khai thác để làm vật liệu thông thường được, lãnh đạo Công ty MTĐT Quảng Ngãi khẳng định.
Được biết dự án khu xử lý chất thải Dung Quất, do Công ty MTĐT Quảng Ngãi đề xuất đầu tư, quy mô diện tích 71,5ha, ở tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, có tổng công suất xử lý các loại chất thải 2.000 tấn/ngày, đêm.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xử lý 1000 tấn, gồm rác sinh hoạt (500 tấn); chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại (500 tấn); thời gian đầu tư 2024 – 2029, với tổng vốn khoảng 600 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (phát điện), xử lý 1.000 tấn, gồm rác sinh hoạt (500 tấn); chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại (500 tấn); thời gian đầu tư, từ năm 2030 trở đi.