Nhà thầu đề xuất khai thác cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Bộ GTVT yêu cầu giám sát
Cụ thể, Liên danh một số nhà thầu thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang gồm: Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – LIZEN đã đề xuất Bộ GTVT được đưa vào khai thác sử dụng 68,35 km đoạn nối từ Dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm đến nút giao Vạn Giẽ thuộc Dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang.
Đây là phân đoạn thuộc Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km285 – Km337 +500 do liên danh LIZEN – Công ty Phương Thành – Công ty Hải Đăng – Công ty VNCN E&C và Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km337+500 – Km368+350 do liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex thi công.
Theo tiến độ ban đầu, phần công việc của liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – Lizen sẽ phải hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang có điểm đầu tại Km285, kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có điểm cuối tại Km368+500 kết nối điểm đầu Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Tổng chiều dài tuyến đường là 83,35 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư là 11.808,02 tỷ đồng; được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước; được khởi công ngày 1/1/2023; dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 7 rà soát để xử lý triệt để các hạng mục cục bộ còn một số tồn tại, khiếm khuyết đã được Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chỉ ra trong các lần kiểm tra hiện trường, không để ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cùng với đó, đơn vị này tăng cường công tác kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, đặc biệt trong công tác thảm bê tông nhựa (thành phần cấp phối, hỗn hợp nhựa, thiết bị thi công, sơ đồ lu, nhiệt độ lu) đảm bảo chất lượng, độ bằng phẳng, sai số cho phép…
Đối với các hạng mục có yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật như đường đầu cầu, khe co giãn, lan can, dải phân cách… chủ đầu tư cần chỉ đạo tư vấn kiểm tra rà soát và xử lý ngay các vị trí không đạt yêu cầu.
Ban quản lý dự án 7 phải chủ động làm việc, phối hợp với địa phương để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với trạm dừng nghỉ, bàn giao cho dự án trước 31/12/2024, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.