Nhân giống cây mật nhân, loại cây giúp quý ông hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ chăn gối"
Loại cây tăng cường chức năng sinh lý
Mật nhân là loại thảo dược từ lâu trong dân gian có tên khoa học là Eurycoma Longifolia rất phổ biến ở các vùng Đông Nam Á như Malasia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…
Cây mật nhân chỉ mọc rải rác trên núi cao. Mật nhân là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, có kích thước trung bình, mùa hoa tập trung từ tháng 1 đến tháng 5. Từ khi ra nụ đến quả chín và rụng từ 76-112 ngày (khoảng 3-4 tháng). Mùa hoa cao điểm hằng năm vào khoảng từ ngày 14/2 đến 10/4; mùa quả già, chín tập trung từ ngày 25/3 đến 9/5.
Nếu gặp vùng đất tốt, cây mật nhân cao khoảng 3,5 mét, có 2 nhánh vươn lên như hình chữ V, lá kép, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc, cuống lá màu nâu đỏ, hoa mọc ra từ ngọn thành chùm, bao phủ đầy lông, còn những khu rừng đất cằn cỗi thì mật nhân chỉ cao chừng 2 mét.
Thân cây và cả củ, rễ đều chắc, cứng như cây kơ nia. Những cây nhiều năm tuổi, củ nặng tới 10-15kg, theo kinh nghiệm dân gian và thực tế điều trị thì củ và cây mật nhân đã mang lại hiệu quả đối với một số bệnh như: Sốt rét, gai cột sống, viêm khớp, chân tay tê nhức...
Cây mật nhân được sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và Hoa Kỳ. Vỏ cây eurycoma longifolia có vị rất đắng, nên được sử dụng làm thuốc tẩy giun, sán, trị sốt rét, kiết lỵ, ngộ độc, đầy bụng, giải say rượu, bôi ngoài da trị ghẻ lở.
Nhưng cây mật nhân được chú ý nhiều nhất bởi nó có khả năng làm tăng testosterone, nên được sử dụng để tăng cường sinh lý cho nam giới.
Cây này được người dân ở các nước vùng Đông Nam Á sử dụng từ lâu và được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về tác dụng tăng cường chức năng sinh lý và sức khỏe tình dục.
Qua nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy cây mật nhân có chứa một số hoạt chất chính như: Các hợp chất quassinoid, triterpen, các alcaloid loại canthin, các alcaloid carbolin… những hoạt chất này có nhiều tác dụng nhưng trong đó quan trọng nhất là khả năng kích thích để cơ thể tự tiết ra Testosterone nội sinh.
Những kết quả nghiên cứu cho thấy Eurycoma Longifolia có tác dụng làm tăng cường ham muốn tình dục rất tốt.
Điều này có thể giải thích tại sao ở những nước mà luật pháp cho phép người đàn ông có nhiều vợ thì Eurycoma Longifolia rất được quý ông ưa chuộng bởi vì loại cây này giúp họ hoàn thành sứ mạng phân phối đều hạnh phúc gối chăn cho các bà vợ một cách xuất sắc!
Giá bán trên loại cây này hiện dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/kg thái lát. Ví dụ, với mật nhân cao tuổi nguyên rễ hay mật nhân thái lát cao tuổi ở Gia Lai giá bán: 200.000 đồng/kg, còn mật nhân đỏ không đắng có giá tới 500.000 đồng/kg.
Nhân giống mật nhân tăng thu nhập cho người dân
Đây là loại cây thuốc quý, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều địa phương đã tiến hành ươm trồng, nhân giống như Đồng Nai, Gia Lai...
Tại Đồng Nai mới đây đã ươm tạo thành công hơn 2.400 cây mật nhân. Đây là Đề tài khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh. Mục đích điều tra hiện trạng, nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân tại Khu DTSQ Đồng Nai đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống cây mật nhân.
Đây là cơ sở nhằm phát triển bổ sung vào nguồn tài nguyên cây dược liệu của khu vực Đông Nam bộ và của cả nước.
Đề tài KH-CN nêu trên do TS Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ nhiệm, được thực hiện trong hơn 2 năm (từ tháng 4/2018 đến 8/2020).
Nhóm nghiên cứu đã sát 32 hộ gia đình thuộc 9 ấp tại 3 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý để tìm hiểu tình hình và nhu cầu sử dụng loài mật nhân. Trong đó, có 21/32 hộ sẵn sàng hợp tác và thực hiện các mô hình trồng mật nhân. Điều kiện đặt ra là người dân phải được cung cấp về nguồn giống, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm.
Nếu có thể giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, việc trồng cây mật nhân sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng lõi và vùng đệm của Khu DTSQ Đồng Nai.
Thực tế, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã khai thác thương mại cây mật nhân từ trước đó thông qua việc phát triển sản phẩm rượu mật nhân.
Năm 2014, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã đăng ký sở hữu trí tuệ rượu mật nhân và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, rượu mật nhân đã được nhiều người biết đến. Như vậy, cung cấp nguyên liệu để sản xuất rượu mật nhân có thể được xem là một trong những hướng phát triển tiếp theo cho đề tài.