Nhập khẩu ồ ạt thịt gà có ảnh hưởng đến giá gà trong nước?

02/05/2020 09:33 GMT+7
Trong quý I/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.000 tấn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm (tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, số lượng thịt gà nhập khẩu chiếm 36% tương đương 44.000 tấn, chủ yếu là nhập thịt đùi, còn cơ bản là các sản phẩm phụ. Vậy việc nhập khẩu ồ ạt có ảnh hưởng tới giá gà trong nước?

Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến ngày 13/4, sản lượng nhập khẩu thực phẩm gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng 78.376 tấn.

Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ chiếm 65%, Hàn Quốc 14%, Braxin 9,9%, Hà Lan 4,44% và Ba Lan 3,56%.

Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tại nhiều nước do người tiêu dùng chỉ ăn thịt ức nên giá thịt đùi nhập về rất rẻ, tương đương với giá gà công nghiệp trong nước. Mặt khác, vì người tiêu dùng Việt Nam thích ăn thịt gà đùi nên các doanh nghiệp nhập về nhiều.

Nhập khẩu ồ ạt thịt gà có ảnh hưởng đến giá gà trong nước? - Ảnh 1.

Trong quý I/2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 40.000 tấn thịt gà

Tuy nhiên, so với sản lượng thịt gà trong nước thì lượng thịt nhập không đáng kể và cũng không ảnh hưởng tới giá gà trong nước. Song song với việc nhập khẩu, Việt Nam vẫn có sản phẩm thịt gà xuất khẩu. Tất cả đều phụ thuộc vào sự điều phối của thị trường.

"Ngay cả thị trường trong nước cũng đang là thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, Nếu sản phẩm của chúng ta tốt thì hoàn toàn tự tin là có thể đáp ứng được mọi nhu cầu xuất khẩu của tất cả các thị trường và cạnh tranh được tại thị trường nội địa", ông Trọng nói.

Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, chăn nuôi gia cầm trong nước đã phát triển bùng nổ từ khi có dịch tả lợn châu Phi do nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt sau dịch tả lợn châu Phi.

Cho đến nay, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng, kết hợp ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm đến nay khiến giá các sản phẩm gia cầm sụt giảm mạnh.

Liên quan đến giá gà trong nước trong thời gian qua giảm sâu, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, trong năm 2019 khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi nhiều trang trại, nông hộ bị thiệt hại phải tiêu hủy đàn lợn và nhiều bà con đã chuyển sang chăn nuôi gà làm cho sản phẩm gà, vịt tăng cao đột biến.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (cấm sử dụng rượu bia khi lái xe) làm cho các hàng, quán vắng khách tiêu dùng (phần lớn trong các nhà hàng, quán bia, hàng ăn tiêu thụ nhiều gà, vịt, ngan) khiến nhu cầu giảm. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã giáng thêm một đòn nữa vào các mặt hàng nông sản, nhất là gia cầm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi nói riêng và chế biến các sản phẩm nông sản nói chung.

Tuy nhiên, đây là xu hướng bình thường và theo quy luật cung cầu. Sau một vài tháng giảm giá, đến giờ giá gà, vịt, trứng phục hồi dần, đặc biệt là sau khi các địa phương đã hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid- 19.

Hiện, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên..., giá vịt bơ (vịt super) đang được thương lái thu mua ở mức trên dưới 34.000 đồng/kg, bán lẻ được giá 37.000 - 38.000 đồng/kg. Gà thịt công nghiệp bán với giá trên dưới 27.000 đồng/kg tại trại, bán ra tại chợ khoảng trên 35.000 đồng/kg; gà ngan thịt dao động ở mức trên 47.000 đồng/kg tại trại...

M.Lan
Cùng chuyên mục