Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trước thềm Thế vận hội Tokyo

08/07/2021 11:29 GMT+7
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hôm 7/7 tuyên bố chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo trong vòng hơn 1 tháng khi làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo càn quét nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura - người đang chỉ đạo công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 của chính phủ Nhật Bản, tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo sẽ được khởi động từ ngày 12/7 và kéo dài đến hết ngày 22/8 trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 mới đe dọa quốc gia Đông Á.

Quyết định chính thức về việc ban bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo sẽ được công bố sau cuộc họp hôm 8/7 của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Nhật Bản. Đây là sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 thứ 4 tại quốc gia này kể từ tháng 4/2020 đến nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại văn phòng Thủ tướng hôm 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thừa nhận các ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng nhanh. Ông Suga khẳng định sẽ “thực hiện mọi biện pháp có thể” để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Chỉ riêng ngày 7/7, Tokyo ghi nhận 920 ca nhiễm mới Covid-19, con số cao nhất kể từ ngày 13/5 đến nay.

Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trước thềm Thế vận hội Tokyo - Ảnh 1.

Trước thềm Thế vận hội Tokyo, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô (Ảnh: AFP)

Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp được đưa ra đúng thời điểm chuẩn bị khởi động Thế vận hội mùa hè Tokyo, dự kiến diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8. Việc tổ chức Thế vận hội vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến Tokyo phải nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt của các chuyên gia y tế và đa số công chúng.

Thủ tướng Nhật Bản Suga trước đó từng cảnh báo trong trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp được ban hành trong thời gian Thế vận hội diễn ra, các sự kiện sẽ được tổ chức mà không có khán giả.

Trước đó, Ủy ban tổ chức Thế vận hội Paralympic Tokyo và Ủy ban Olympic quốc tế đã giới hạn số lượng khán giả tối đa tại các địa điểm lớn là 10.000 người hoặc một nửa sức chứa của sân vận động để đảm bảo giãn cách xã hội cần thiết trong tình hình đại dịch. Hai tổ chức này sẽ có cuộc hội đàm với các bên liên quan để thảo luận về việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp mới sẽ được áp dụng vào tuần tới.

Một nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết Ủy ban tổ chức Tokyo đang xem xét tổ chức các sự kiện sau 9 giờ tối mà không có khán giả. Với các sự kiện diễn ra trước 9 giờ tối, lượng giới hạn khán giả sẽ được giảm từ 10.000 xuống 5.000 theo hướng dẫn của chính phủ.

Trước đó, hôm 20/6, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp với Tokyo. Thủ đô đã được đặt trong tình trạng gần như 

Chính phủ đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước đây đối với Tokyo vào ngày 20 tháng 6. Nhưng các hạn chế tiếp tục được mở rộng trong bối cảnh các nhà chức trách dự kiến tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp trở lại trong kỳ Thế vận hội và ngày lễ truyền thống Bon sắp tới. 

Tỷ lệ tiêm chủng tại Nhật Bản đến nay vẫn ở dưới mức 15%. Quốc gia này dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho đa số người cao tuổi vào cuối tháng 7.

Hồi tháng 5, các chuyên gia dự báo trong trường hợp Thế vận hội diễn ra mà không có khán giả, 90 tỷ JPY (824 triệu USD) doanh thu bán vé dự kiến sẽ tan thành mây khói. Các công ty tài trợ sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Ban đầu, kỳ Thế Vận hội Tokyo dự kiến sẽ thu hút khoảng 10 triệu khán giả. Nhưng hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ và các nhà tổ chức đã quyết định cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, giới chức Tokyo vẫn kỳ vọng thu hút lượng lớn người hâm mộ trong nước, cho đến khi làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát và kéo dài cho đến nay.

Nhật báo Asahi Shimbun, một trong những đối tác chính thức của Thế vận hội Tokyo hồi cuối tháng 5 đã có bài xã luận kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội mùa hè sắp diễn ra do quan ngại rủi ro y tế công cộng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.


NTTD
Cùng chuyên mục