Tờ báo danh tiếng Nhật Bản kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Tokyo sắp diễn ra

26/05/2021 15:14 GMT+7
Nhật báo Asahi Shimbun, một trong những đối tác chính thức của Thế vận hội Tokyo vừa có bài xã luận kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội mùa hè sắp diễn ra do quan ngại rủi ro y tế công cộng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Asahi Shimbun cho thấy phần lớn công chúng phản đối việc tổ chức Thế vận hội vào mùa hè này, lo ngại về việc hàng chục nghìn vận động viên từ khắp các quốc gia trên thế giới sẽ di chuyển vào trong nước. Nhật Bản cho đến nay hầu như vẫn đóng cửa biên giới khi tiến độ tiêm chủng diễn ra chậm chạp và các ca nhiễm mới vẫn xuất hiện.

Theo Nhật báo Asahi, hiệp hội bác sĩ Nhật Bản đã phản đối việc tổ chức Thế Vận hội, các nhà đầu tư cũng đang thảo luận về lợi ích và thiệt hại nếu dời lịch Thế Vận hội thêm một lần nữa, còn các doanh nhân nổi tiếng như Masayoshi Son thì kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn sự kiện. Việc Asahi, một trong những tờ báo uy tín nhất của Nhật Bản lên tiếng kêu gọi hủy bỏ Thế Vận hội đã khiến khả năng Thế Vận hội mùa hè Tokyo diễn ra trở nên không hề chắc chắn.

“Chúng tôi yêu cầu Thủ tướng (Yoshihide) Suga bình tĩnh và khách quan đánh giá tình hình nhằm đi đến quyết định hủy bỏ sự kiện vào mùa hè này” - nhật báo Asahi, một tờ báo thiên tả thường phê bình Đảng cầm quyền của ông Suga nhấn mạnh. “Chúng ta còn cách rất xa trạng thái mà mọi công dân tin tưởng rằng họ an toàn và được bảo vệ”. Bài xã luận của Asahi đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hơn 30.000 lượt tweet vào sáng 26/5.

Tờ báo danh tiếng Nhật Bản kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Tokyo sắp diễn ra - Ảnh 1.

Tờ báo danh tiếng Nhật Bản kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Tokyo sắp diễn ra

Một số nhật báo lớn khác của Nhật Bản như Nikkei, Mainichi và Yomiuri cũng là đối tác chính thức của Thế Vận hội Tokyo 2020 đã được dời lịch sang năm 2021 do diễn biến phức tạp của đại dịch. Dù một năm đã trôi qua, cho đến nay, phần lớn các khu vực tại Nhật Bản, bao gồm cả thủ đô Tokyo vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp lần thứ ba do làn sóng lây nhiễm thứ 4 trên toàn quốc. Tình trạng khẩn cấp được dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối tháng 5.

Cho đến nay, chỉ có khoảng 5% dân số Nhật Bản đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19. Trong khi đó, từ đầu mùa dịch đến nay, quốc gia này ghi nhận ít nhất 719.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 12.394 ca tử vong.

Không riêng dư luận trong nước, nhiều chuyên gia, chính phủ quốc tế cũng phản đối việc Nhật Bản tổ chức Thế Vận hội mùa hè vào tháng 7 tới trong bối cảnh làn sóng dịch tiếp theo lan rộng ra toàn cầu. Một giáo sư về sức khỏe cộng đồng và cố vấn cho chính phủ New Zealand hôm 25/5 đã nhận định việc tổ chức Thế Vận hội vào thời điểm này là vô lý. Hôm 24/5, Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo công dân không nên đến Nhật Bản.

Ngay cả trong tình huống Thế Vận hội Tokyo diễn ra đúng như kế hoạch, vẫn còn nhiều quan ngại về viễn cảnh các vận động viên Olympic thi đấu trên một sân vận động trống không, không khán giả.

Trong trường hợp đó, 90 tỷ JPY (824 triệu USD) doanh thu bán vé dự kiến sẽ tan thành mây khói. Các công ty tài trợ sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Ban đầu, kỳ Thế Vận hội Tokyo dự kiến sẽ thu hút khoảng 10 triệu khán giả. Nhưng hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ và các nhà tổ chức đã quyết định cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, giới chức Tokyo vẫn kỳ vọng thu hút lượng lớn người hâm mộ trong nước.

Sau đó, Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Sự gia tăng các ca nhiễm mới buộc Thủ tướng Yoshihide Suga phải ban bố tình trạng khẩn cấp thứ ba đối với Tokyo và các khu vực lân cận. Sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ban đầu dự kiến kéo dài 17 ngày, nhưng hiện đã được gia hạn đến cuối tháng 5 khi số ca nhiễm mới Covid-19 không có dấu hiệu được kiểm soát.


NTTD
Cùng chuyên mục