Nhiều cổ phiếu “hút” dòng tiền, bất chấp “sức khỏe” của doanh nghiệp

Quốc Hải Thứ tư, ngày 16/09/2020 18:16 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong những tháng cuối năm. Qua đó, tạo cơ hội cho hàng loạt cổ phiếu liên quan thu hút dòng tiền mạnh mẽ, dù “sức khỏe” của các doanh nghiệp này là vấn đề đáng bàn...
Bình luận 0

Hiện, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước đang tăng rất mạnh. Thống kê cho thấy, tháng 8 và 8 tháng năm 2020, tốc độ nguồn vốn giải ngân đầu tư công lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nhiều cổ phiếu “hút” dòng tiền, bất chấp “sức khỏe” tài chính - Ảnh 1.

Các địa phương sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm (Ảnh: IT)

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 8 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%).

Cổ phiếu DN xây dựng, vật liệu xây dựng "hút" dòng tiền

Trên thị trường chứng khoán, mỗi khi có thông tin về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì cổ phiếu các doanh nghiệp (DN) thuộc các nhóm ngành được cho là hưởng lợi như xây lắp, vật liệu xây dựng… gần như ngay lập tức phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Diễn biến này được lặp lại không ít lần từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay.

Chẳng hạn, cổ phiếu C4G (Công ty CP Tập đoàn CIENCO4) hiện đang giao dịch ở mức giá 9.500 đồng/CP, so với thời điểm hồi đầu tháng 4, cổ phiếu này đã tăng tới 150%. Cổ phiếu BCC (Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn) hiện cũng giao dịch ở mức giá 7.700 đồng/CP, tăng khoảng gần 50%.

Tương tự, cổ phiếu HT1 (Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên) hiện đang giao dịch ở mức giá 15.600 đồng/CP, tăng gần 50% so với hồi đầu tháng 4…

Trên đây chỉ là ví dụ trong hàng chục mã chứng khoán có "tin đồn" sẽ hưởng lợi từ sóng đầu tư công, dù trên thực tế, nhiều DN trong nhóm này vẫn chưa ghi nhận được trong báo cáo tài chính tác động thực tế của giải ngân đầu tư công đến hoạt động của mình. Theo một chuyên gia phân tích đến từ Công ty CP Chứng khoán VnDirect, đặc điểm của các dự án đầu tư công là có độ trễ từ việc xây dựng, nghiệm thu cũng như thanh toán, do liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, nhiều thủ tục…

Vì thế, theo chuyên gia này, để xem xét đầu tư vào nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư cần phải xét kỹ các năng lực tài chính của DN, bởi để có thể đeo đuổi các dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, DN phải có tiềm lực tài chính để đối ứng vốn và ứng phó với rủi ro thường gặp là thanh toán không đúng tiến độ.

"Kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm đã đẩy giá cổ phiếu nhiều DN lên quá nhanh trong khi 'sức khỏe' tài chính của các đơn vị này đang khá yếu, áp lực nợ vay cao, bị chiếm dụng vốn lớn và quan trọng lượng tiền mặt của DN không lớn. Vì thế, nhà đầu tư cần bình tĩnh hơn trong đánh giá cơ hội khi đầu tư vào các DN này", chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán VnDirect, bình luận.

Rủi ro vì "sức khỏe" tài chính quá yếu?

Thử xem xét BCTC của một số DN được cho là hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư công, có thể thấy một đặc điểm khá đồng nhất của nhiều DN là tỷ lệ tiền mặt ở mức tương đối thấp, dao động dưới 4% tổng tài sản.

Tại Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (C4G) - một trong những nhà đầu tư tham dự thầu và đã qua vòng sơ tuyển ở nhiều dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt, C4G cũng là DN được biết đến khi trúng thầu nhiều gói thầu quan trọng như: Dự án sửa chữa đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất; trúng một gói thầu hơn 600 tỷ đồng tại dự án Cam Lộ - La Sơn; trúng gói thầu tuyến đường vành đai phía Tây 2 Đà Nẵng… Tuy nhiên, "sức khỏe" tài chính của DN này cũng có nhiều vấn đề đáng bàn.

Cụ thể, nợ phải trả của C4G tại ngày 30/6/2020 lên tới 6.072 tỷ đồng, tương đương 83% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,7 lần. Hơn nữa, trong cơ cấu nợ phải trả của DN, hơn 64% là đến từ vay và nợ thuê tài chính. Ngoài ra, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của C4G tại cuối quý 2 đạt 1,07 lần, có sự cải thiện so với đầu năm tuy nhiên hệ số này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn của C4G với hơn 2.610 tỷ đồng (tăng 7% so đầu năm).

Tuy nhiên, một điểm sáng cho C4G là lượng tiền và tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) của C4G cuối quý II/2020 đã tăng 47,8% so với thời điểm cuối năm 2019, lên mức 329 tỷ đồng.

Trong khi đó, với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), câu chuyện ở DN này là sự mất cân đối tài chính và các khoản vay nợ lớn, áp lực chi phí lãi vay cũng rất cao. Cụ thể, tính hết quý 2, DN này ghi nhận khoản nợ ngắn hạn là 2.445,6 tỷ đồng, trong đó: khoản phải trả người bán ngắn hạn là 894,6 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.248,4 tỷ đồng.

Hiện, BCC có các khoản phải thu ngắn hạn 501,2 tỷ đồng, gấp 2,5% so với 1/1/2020, hàng tồn kho 431 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm.

Còn với "ông lớn" CII (Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM), đơn vị này lại đang áp lực trả nợ vay. Trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019, CII cho biết, áp lực trả nợ vay trong năm 2020 lên tới 3.432 tỷ đồng, đây là nợ vay dài hạn tới hạn trả. Trong khi các năm kế tiếp, áp lực trả nợ vay dài hạn lần lượt là 1.249 tỷ đồng, 1.982 tỷ đồng gối đầu nhau…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem