Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục rót vốn vào Việt Nam bất chấp đại dịch

28/09/2021 15:05 GMT+7
Theo Thông tin Chính phủ, hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn tiếp tục rót vốn vào Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước ta trong dài hạn.

Nestlé thông báo khoản đầu tư mới 130 triệu USD trong 2 năm

Hôm 28/9, Thông tin Chính phủ cho biết Nestlé Việt Nam cam kết tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại thị trường Việt Nam, bao gồm khoản đầu tư mới trị giá hơn 130 triệu USD trong hai năm, qua đó đưa tổng vốn đầu tư lên đến trên 730 triệu USD.

Công ty Nestlé Việt Nam được thành lập từ năm 1995 và hiện đã hoạt động tại Việt Nam trong gần 3 thập kỷ. Hiện Nestlé có 4 nhà máy tại Việt Nam, bao gồm 3 nhà máy đặt tại tỉnh Đồng Nai và 1 nhà máy đặt tại tỉnh Hưng Yên. Tổng số lao động sử dụng ước tính hơn 2.200 người.

Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục rót vốn vào Việt Nam bất chấp đại dịch - Ảnh 1.

Nestlé hiện có 4 nhà máy tại Việt Nam (Ảnh: Thông tin Chính phủ)

Samsung tiếp tục xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội, dự kiến đi vào hoạt động năm 2022

Phát biểu tại “Tọa đàm Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng”, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho hay tập đoàn công nghệ Hàn Quốc đang tiến hành xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) riêng cho Samsung tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, dự kiến khánh thành vào cuối năm 2022 nhằm nâng cao năng lực R&D của Samsung trong trung và dài hạn. Tiến độ xây dựng hiện tại đã hoàn thành trên 50%.

Tại Việt Nam, Samsung hiện có 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Đây cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn công bố lên tới hơn 17,7 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 56 tỷ USD trong năm 2020. 

Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục rót vốn vào Việt Nam bất chấp đại dịch - Ảnh 2.

Ông Choi Joo Ho: Samsung đang tiến hành xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD (Ảnh: Thông tin Chính phủ)

Việt Nam được mệnh danh là “ngôi nhà thứ hai” của Samsung, “công xưởng” sản xuất lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc ở nước ngoài. Hai nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) cũng là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động quy mô lớn nhất, hiện đại nhất của Samsung trên toàn cầu. 

Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển này đi vào hoạt động, số lượng kỹ sư Việt Nam làm việc cho Samsung dự kiến sẽ tăng từ quy mô 2.100 người hiện tại lên khoảng 3.000 người. Trung tâm R&D mới dự kiến sẽ tập trung vào các mảng trí tuệ nhân tạo, 5G, cơ sở dữ liệu lớn (big-data) và internet vạn vật (IoT). 

Tetra Pak rót thêm 5 triệu Euro vào nhà máy ở Bình Dương

Theo thông tin Chính phủ, Tetra Pak tuyên bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro (khoảng 133 tỷ đồng) vào dự án nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro (3.196 tỷ đồng) tại tỉnh Bình Dương. “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch” - trích lời ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam.

Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ mức 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp trong tương lai, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước cũng như khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm dây chuyền sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.

Được xây dựng từ cuối năm 2017 trước khi chính thức đi vào vận hành tháng 7/2019, nhà máy Tetra Pak Bình Dương có trị giá 120 triệu Euro với diện tích 100.000m2 nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A (VSIP II-A). Với đội ngũ hơn 200 nhân viên trình độ tay nghề cao, Tetra Pak Bình Dương sản xuất sản phẩm hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Úc và New Zealand. Thông tin Chính phủ cho hay khi làn sóng dịch Covid-19 mới nhất bùng phát tại Bình Dương, Tetra Pak Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, tại tọa đàm “Tọa đàm Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng khẳng định không thay đổi chiến lược đầu tư vào Việt Nam. Theo tiết lộ của bà Dorsati Mandani -  chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam - khi tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI, có thông tin một tập đoàn sản xuất lương thực toàn cầu cho biết đang đầu tư 180 triệu USD nữa vào Việt Nam vì tin tưởng vào triển vọng kinh tế nước ta, một nền kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển.


NTTD
Cùng chuyên mục