Nhìn lại 2020: 3 "nước đi" sai lầm có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt

31/12/2020 06:43 GMT+7
Ngay cả khi Trung Quốc được coi là nơi xuất hiện ổ dịch Covid-19 đầu tiên trước khi dịch bệnh lây lan ra toàn cầu, không thể phủ nhận khả năng lãnh đạo của Bắc Kinh khi đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố kiểm soát thành công dịch bệnh.

Chưa đầy một năm sau khi đại dịch bùng phát, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Trong khi đó, các nước châu Âu, Anh và Mỹ vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh tiếp theo và có nguy cơ lần nữa rơi vào suy thoái.

Có nhiều điều mà chính phủ Bắc Kinh đã thành công, như việc siết chặt các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt chưa từng có, cắt giảm lãi suất ở mức vừa đủ để thúc đẩy nền kinh tế nhưng vẫn cân bằng được gánh nặng nợ, mở cửa thị trường tài chính trong nước… Không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào thị trường trái phiếu Trung Quốc bất chấp sự giận dữ và các biện pháp hạn chế đầu tư của chính quyền Trump.

Nhìn lại 2020: 3 "nước đi" sai lầm có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Trung Quốc là nước bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên nhưng cũng là nơi kiểm soát thành công dịch sớm nhất

Nhưng nhà báo Shuli Ren, chuyên gia thị trường châu Á tại Bloomberg đã chỉ ra rằng Bắc Kinh vẫn mắc phải 3 sai lầm lớn trong năm 2020 vừa qua.

Đánh giá thấp mô hình phục hồi chữ K

Chỉ vài tháng sau cuộc khủng hoảng đại dịch, thế giới đã nhận ra rằng suy thoái đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Những công ty công nghệ lớn vốn đã giàu có đang kiếm thêm bộn tiền, công nhân viên chức trình độ cao có thể tiếp tục làm việc từ xa và đảm bảo được nguồn thu nhập vốn có. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng và khách sạn buộc phải đóng cửa; lao động trình độ thấp bị sa thải và gần như không có nguồn thu nhập.

Đến tháng 4/2020, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, các nhà hàng nhỏ đã “kêu cứu” vì các siêu ứng dụng giao đồ ăn thu phí “cắt cổ” nhưng họ buộc phải sử dụng nếu muốn duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này đe dọa đáng kể khả năng phục hồi của ngành F&B cũng như sinh kế của hàng triệu người lao động trong ngành. Năm ngoái, ngành F&B Trung Quốc tuyển dụng hơn 33 triệu người lao động. Nhưng năm nay, thống kê cho thấy cho đến tháng 10, ngành này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.

Bà Shuli Ren chỉ ra một sai lầm đáng kể của Bắc Kinh là không sớm giải quyết tình trạng mất cân bằng thu nhập trong nền kinh tế. Mãi cho đến giữa tháng 11, các quan chức chính phủ mới công bố một tài liệu dài 22 trang bao gồm các quy định chống độc quyền nhằm kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba. Cổ phiếu Alibaba tính đến nay đã giảm mạnh 28% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 10.

Nhìn lại 2020: 3 "nước đi" sai lầm có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt - Ảnh 2.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc là không đồng đều trong các ngành cụ thể

Mô hình phục hồi chữ K (tức mô hình mà sau mức suy giảm theo đường thẳng, nền kinh tế sẽ diễn biến theo hai xu hướng trái ngược: một số ngành tăng trưởng bứt phá và một số ngành suy yếu tồi tệ) đáng lẽ không phải điều khó lường trước. Các số liệu thống kê vĩ mô đã cảnh báo nhiều dấu hiệu: trong khi hoạt động sản xuất phục hồi nhanh chóng thì doanh số bán lẻ - thước đo niềm tin người tiêu dùng - lại trì trệ trong nhiều tháng ròng.

So sánh với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và EU, niềm tin người tiêu dùng được thúc đẩy một phần nhờ các gói kích thích lớn kỷ lục và trợ cấp thất nghiệp, khoản thanh toán trực tiếp cho người dân. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã kiềm chế tung ra các gói kích thích khổng lồ do lo ngại gánh nặng nợ phình to. Thay vào đó, Bắc Kinh áp dụng bài học trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tham vọng vực dậy nền kinh tế bằng cách xây dựng nhiều dự án tàu cao tốc và trạm viễn thông phủ sóng 5G.

Hơn 170 triệu lao động di cư Trung Quốc đã tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và dịch vụ. Khi đại dịch bùng phát, họ không chỉ mất đi việc làm mà còn không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp thất nghiệp nào. Điều này đặt ra nguy cơ lớn cho nền kinh tế.

Trung Quốc hiện đang thúc đẩy một thị trường tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, vì nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp rất dễ bị tác động bởi sự biến động chu kỳ kinh doanh trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế an sinh xã hội cần thiết có thể gây hệ quả tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng của các hộ gia đình. Nghĩa là các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống của Trung Quốc đang trở thành lực cản cho chính những mục tiêu tăng trưởng mà quốc gia này đặt ra.

“Quay lưng” với các tỷ phú công nghệ

Ước tính, chỉ trong 2 tháng qua, tỷ phú Jack Ma đã mất gần 11 tỷ USD khi chính phủ Bắc Kinh tăng cường áp lực lên đế chế Alibaba bằng vụ điều tra chống độc quyền và đình chỉ niêm yết Ant Group (công ty Fintech trực thuộc Alibaba). Khối tài sản của Jack Ma đã tụt từ 61,7 tỷ USD xuống 50,9 tỷ USD vào cuối tháng 12 khi cổ phiếu Alibaba tụt mạnh 28% so với mức đỉnh kỷ lục hồi tháng 10.

Nhìn lại 2020: 3 "nước đi" sai lầm có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt - Ảnh 3.

Tỷ phú Jack Ma lao đao vì bị Bắc Kinh "chấn chỉnh"

Các nhà chức trách đã nhắm đến Alibaba của Jack Ma ngay từ khi ông chuẩn bị đưa Ant Group lên sàn niêm yết công khai. Cụ thể, vào tháng 11, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant trên sàn giao dịch STAR, qua đó đóng băng khả năng niêm yết kép của Ant trên sàn Hồng Kông do hàng loạt thay đổi về quy định. Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba - tập đoàn đang nắm giữ 33% cổ phần Ant Group. Việc dừng thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Nhưng bà Shuli Ren nghi ngờ rằng nguyên nhân thực sự khiến Jack Ma rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh không phải những thay đổi về quy định luật pháp, mà là vì một bài phát biểu thẳng thắn hai tuần trước đó của vị tỷ phú. Trong bài phát biểu, Jack Ma chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, ông ví các ngân hàng với “tiệm cầm đồ”, nơi chỉ những ai có tài sản thế chấp hoặc được bảo lãnh mới được vay tiền.

Dù vì nguyên nhân nào, vụ việc dừng niêm yết Ant Group cũng đặt ra mối đe dọa lớn với luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc - thứ mà Bắc Kinh đang cố gắng thu hút thông qua mở cửa thị trường tài chính.

Xử lý sai lầm hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu

Có một quan niệm đã ăn sâu dai dẳng vào tiềm thức các nhà đầu tư rằng các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ hoặc bị chính phủ đưa vào tầm ngắm bất cứ lúc nào, nhưng các doanh nghiệp nhà nước thì không. Do đó, hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước gần đây đã khiến thị trường chao đảo.

Thực tế, một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đối diện nguy cơ vỡ nợ từ năm 2015 khi tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi từ đại dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp quốc doanh này đối diện nhiều thách thức chưa từng có.

Thống kê của Fitch Ratings cho thấy trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay đã lên tới 40 tỷ NDT (6,1 tỷ USD), tức bằng tổng trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu trong hai năm qua cộng lại.

Nhìn lại 2020: 3 "nước đi" sai lầm có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt - Ảnh 5.

Hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu trong nước nói chung và vỡ nợ trái phiếu DNNN nói riêng gây ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính Trung Quốc

Vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây khi hàng loạt các đại công ty nhà nước Trung Quốc bao gồm đối tác của BMW là Brilliance Auto Group, nhà sản xuất chip điện thoại thông minh hàng đầu Tsinghua Unigroup và tập đoàn điện than Yongcheng Coal and Electric đồng loạt tuyên bố vỡ nợ trái phiếu. Hỗn loạn trên thị trường trái phiếu thậm chí còn tràn sang cả thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy Bắc Kinh dường như đang bỏ mặc những vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính yếu kém. Nghĩa là các quan chức đang cố gắng phá vỡ quan niệm về sự bảo đảm ngầm của Bắc Kinh với trái phiếu doanh nghiệp nhà nước. Về mặt tích cực, điều này giúp thanh lọc và củng cố sức mạnh hệ thống tài chính quốc gia.

Nhưng còn nhiều câu hỏi đặt ra ở đây, nếu một nhà phát triển bất động sản tư nhân vỡ nợ, các chủ nợ được phép “siết nợ” bằng một số tài sản bất động sản của doanh nghiệp. Nhưng nếu một nhà phát triển bất động sản nhà nước vỡ nợ, nhà đầu tư có được phép làm điều tương tự hay không? Nhìn chung, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có khả năng bảo vệ tài sản cốt lõi khỏi tay chủ nợ hơn là doanh nghiệp tư nhân.


NTTD
Cùng chuyên mục