Nhờ cách làm này mà nông dân nơi thủ phủ na xứ Lạng hái quả mỏi tay

31/05/2020 11:04 GMT+7
Không mặc cho thiên nhiên quyết định năng suất cây na, nông dân thủ phủ na Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã học tập, sáng tạo cách làm giúp tăng năng suất. Đó là phương pháp cắt tỉa và thụ phấn bằng tay cho cây na. Nhờ vậy người trồng na luôn có những vụ na bội thu, quả trĩu cành.

Không bằng lòng với những giá trị mà cây na mang lại, những người nông dân tại thủ phủ na xứ Lạng (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã chủ động sang tỉnh Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Những kinh nghiệm học được cộng với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, người trồng na Chi Lăng đã tìm ra phương pháp kéo dài thời gian thu hoạch và tăng năng suất. 

Vừa tất bật chấm na (thụ phấn bằng tay cho cây na) bà Vy Thị Phin thôn Khuân Thúng, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Nếu được chăm sóc tốt, cây na ra rất nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhụy cái thường nở lệch pha nhau. Thường thì nhị đực nở trước, tung phấn rất lâu sau đó nhụy cái mới nở nên rất khó tự thụ phấn, nếu có thụ phấn được thường do gió hoặc côn trùng nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều quả có tỷ lệ múi lép cao do thụ phấn không hoàn toàn. 

 "Xưa dân ở đây toàn để thụ phấn tự nhiên đâu biết cách cắt tỉa cành rồi chấm na như bây giờ. Trời cho ăn quả nào thì ăn quả đó thôi. Giờ cũng với diện tích na đấy nhưng người trồng biết cách chăm sóc, cắt tỉa rồi thụ phấn cho na nên năng suất tăng gấp nhiều lần", bà Phin nói. 

Nhờ cách làm này mà nông dân nơi thủ phủ Na xứ Lạng hái quả mỏi tay - Ảnh 1.

Bà Phin đang tất bật thụ phấn cho na cho hơn 200 gốc na của gia đình.

Theo bà Phin, thời điểm này người dân trồng na tất bật nhất bởi đây là khoảng thời gian quan trọng trong việc thụ phấn na. Nếu làm không kịp thì tỉ lệ na sai quả sẽ thấp, năng suất giảm. Vì vậy, muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na. 

Bà Phin chia sẻ: Thời gian từ khi na ra hoa đến khi quả chín khoảng 4 tháng. Quả na chín rộ vào tháng 6, 7, 8 hằng năm. Với phương pháp rải vụ, người trồng na có thêm vụ thu hoạch thứ 2 sau vụ thứ nhất khoảng 1 tháng. 

Theo đó, sau khi thu hoạch vụ trước, nông dân tiến hành đốn cành, tỉa lá để cây tích tụ dưỡng chất cho vụ sau. Khi cây bắt đầu ra hoa, tiến hành thụ phấn; bên cạnh việc để hoa thụ phấn tự nhiên nên ưu tiên phương pháp thụ phấn nhân tạo. Sau khi na đậu quả cần chọn để những quả to, mắt đều, đẹp đảm bảo khi chín đạt trọng lượng 3 quả/kg. Tùy theo tuổi cây mà để số quả từ 5 đến 10 kg quả/cây. 

Với na rải vụ, trong quá trình cây ra hoa, chủ vườn chọn những nhánh mới nhú, bắt đầu cho nụ thì tiến hành ngắt ngọn (khoảng cách từ đầu nhánh đến chỗ ngắt khoảng 5 cm), cắt bỏ hết hoa và lá. Sau khoảng 15 đến 20 ngày, từ những nhánh cây này sẽ tiếp tục có nhánh mới mọc ra, cho hoa. Lúc này, nông dân tiến hành thụ phấn và chọn để quả. Sản lượng tùy theo tuổi cây, có thể 5, 7 hay 10 kg tùy tuổi cây. 

Nhờ cách làm này mà nông dân nơi thủ phủ Na xứ Lạng hái quả mỏi tay - Ảnh 2.

Bà Phin dùng ống nhựa để thụ phấn cho na, nhờ tăng năng suất, chất lượng quả na.

Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Trung Mai, thị trấn Chi Lăng cho biết: Thời điểm này nhà nào nhà đấy vùng na này cũng đóng cửa im lìm bởi họ phải tranh thủ thời tiết nắng ráo lên núi chấm na. Sáng đi tối về. Theo chị Phương, phải chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu cành các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn. Chọn hái những hoa sắp nở cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt. Thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều, từ 3 đến 6 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na. 

Cách làm thì cũng khá dễ dàng, chỉ cần dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm xi lanh, ông nhựa hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy cái giữa lòng hoa. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8 - 10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo. 

Theo kinh nghiệm từ nhiều người dân cho thấy nếu có điều kiện nên thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng quả sau này. Theo chị Phương, nếu làm thành thạo 1 người có thể thụ phấn cho 800 -1.000 hoa/ngày. Khoảng 3 - 4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa na cũng chỉ thụ phấn 8 -10 lần khi cây ra nhiều hoa nhất. 

Nhờ cách làm này mà nông dân nơi thủ phủ Na xứ Lạng hái quả mỏi tay - Ảnh 3.

Tại vườn hiện nay những lứa quả đầu tiên đã khá lớn.

Nhắc đến phương pháp thụ phấn cho na không thể không kể đến ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh - Người tiên phong trong việc thụ phấn cho na và trồng na trái vụ ở Chi Lăng. Ông Lét cho biết: Kỹ thuật thụ phấn cho na giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên quá trình thụ phấn cũng đòi hỏi người làm tỉ mỉ, có kỹ thuật thì hiệu quả trên 90%. 

Với những kiến thức, hiểu biết của bản thân cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những buổi tham quan vùng trồng na Đông Triều (Quảng Ninh) ông Lét đã áp dụng có hiệu quả. Đồng thời tận tình hướng dẫn lại cho bà con từng ly từng tý. Từ việc đơn giản như dùng xi lanh, ống nhựa lấy phấn ở hoa to, thụ phấn cho nhiều bông hoa na khác, hay khó hơn như chọn thời điểm nào, đốn ngọn, tỉa cành, tuốt lá ra sao để hoa nở cả trong mùa hè và mùa thu để từ đó làm na trái vụ tăng năng suất cây trồng. 

Nhờ cách làm này mà nông dân nơi thủ phủ Na xứ Lạng hái quả mỏi tay - Ảnh 4.

Người dân thủ phủ na Chi Lăng thời điểm này đang tất bật với việc thụ phấn cho cây na nhằm tăng năng suất.

Theo ông Lét: Vào khoảng thời gian trung tuần tháng 11 sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây na, chỉ để cây na cao khoảng 1,5 - 1,8 m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió; không tốn thức ăn để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung vào thân và cành cấp một cây na cũng dễ thụ phấn và dễ thu hoạch hơn. Các giống na bắt đầu chín từ trung tuần tháng 5 âm lịch đến tháng 9 âm lịch, thu hoạch rộ và khoảng tháng 6 - 7 âm lịch. 

Na Chi Lăng đã trở thành hàng hoá đặc trưng riêng có của tỉnh Lạng Sơn với diện tích trên 2.800 ha, sản lượng đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng. Hiện nay huyện Chi Lăng đã triển khai gần 140 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 1.100 ha na an toàn và 5 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

 

Mộc Trà
Cùng chuyên mục