Nhu cầu tại thị trường Trung Quốc cao, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều cơ hội

30/05/2023 19:37 GMT+7
Nhu cầu về sắn tại Trung Quốc vẫn cao khiến giá sắn có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường này.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 445,51 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô.

Trong thời gian này, Việt Nam xuất khẩu được 705,18 nghìn tấn tinh bột sắn, trị giá 320,78 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Pa-pua Niu Ghi-nê, Philippines và Malaysia.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,86% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 640,75 triệu tấn, trị giá 288,61 triệu USD, giảm 15,5% về lượng và giảm 24,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 456,04 nghìn tấn sắn lát khô, trị giá 124,41 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,31% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 411,84 nghìn tấn, trị giá 108,75 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn cung nguyên liệu tinh bột sắn tại Thái Lan và Việt Nam tiếp tục giảm do hiện đã vào cuối vụ. Nhu cầu về sắn tại Trung Quốc vẫn cao khiến giá sắn có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường này.

Nhu cầu Trung Quốc cao, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều cơ hội - Ảnh 1.

Nhu cầu về sắn tại Trung Quốc vẫn cao khiến giá sắn có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường này.

Nhu cầu Trung Quốc cao, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều cơ hội - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Nhu cầu Trung Quốc cao, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều cơ hội - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Được biết, hiện một số tỉnh tại khu vực Tây Nguyên bắt đầu trồng sắn vụ mới nhờ thời tiết thuận lợi. Vụ thu hoạch sắn vụ 2023/24 tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ có thể sẽ trễ hơn khoảng 1,5-2 tháng so với cùng kỳ các năm trước.

Giá chào hàng tinh bột sắn tại Móng Cái và Lạng Sơn đồng loạt tăng. Giá tinh bột sắn xuất khẩu đường biển tăng thêm 5-10 USD/tấn so với 10 ngày trước đó. Một số đơn vị xuất khẩu sắn lát lớn có xu hướng đẩy hàng ra nhanh hơn.

Năm 2023, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất cho sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp hơn so với xuất khẩu tới các thị trường khác.

Dự báo tháng tới, nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường này.

Chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, sắn và sản phẩm sắn của ta sẽ phải chịu sự canh tranh gay gắt với Thái Lan.

Hiệp hội sắn Việt Nam nhận định, trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu sắn cả từ Thái Lan, mặc dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. Điều này cho thấy, tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Hiện giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn nội địa tại Thái Lan đã tăng lên mức cao kỷ lục; giá sàn tinh bột sắn xuất khẩu cũng tăng.

Trong 10 ngày giữa tháng 5/2023, giá sắn nguyên liệu, tinh bột sắn nội địa, tinh bột xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục được điều chỉnh tăng, thiết lập mức cao nhất từ trước tới nay; trong khi giá sắn lát xuất khẩu của Thái Lan vẫn giữ ổn định.

Ngày 16/5/2023, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo điều chỉnh giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn lên mức 570 USD/tấn (FOB-Bangkok), tăng 10 USD/tấn so với 10 ngày trước đó; Giá thu mua tinh bột sắn nội địa cũng được điều chỉnh lên mức 18,4 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với 10 ngày trước đó.

Trong khi đó, Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan thông báo điều chỉnh giá sắn nguyên liệu lên mức 3,3-4,0 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với 10 ngày trước đó; giá sàn xuất khẩu sắn lát giữ ổn định ở mức 265-275 USD/tấn (FOB-Bangkok).

Nhu cầu Trung Quốc cao, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều cơ hội - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 3 tháng đầu năm 2023, Thái Lan xuất khẩu được 2,14 triệu tấn sắn lát (HS 07141011), trị giá 18,47 tỷ Baht (tương đương 547,88 triệu USD), tăng 36,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 97,79% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan, với hơn 2,09 triệu tấn, trị giá 18,05 tỷ Baht (tương đương 535,52 triệu USD), tăng 33,7% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. (Tỷ giá 1 Baht = 0,02966 USD).

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Thái Lan xuất khẩu được 729,52 nghìn tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 11,78 tỷ Baht (tương đương 349,46 triệu USD), giảm 30,4% về lượng và giảm 28,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Thái Lan. Trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm 62,61% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 456,77 nghìn tấn, trị giá 7,18 tỷ Baht (tương đương 212,95 triệu USD), giảm 33,1% về lượng và giảm 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; Tiếp đến là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan chiếm 9,23%, với 67,35 nghìn tấn, giảm 17,4%; Xuất khẩu tới Malaysia chiếm 5,57%, với 40,63 nghìn tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan trong 3 tháng đầu năm 2023 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang Indonesia giảm; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Philippines tăng.

Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đối với doanh nghiệp Việt Nam là khó, song với lợi thế giá rẻ, giao thương quen thuộc, thị trường gần, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh vững chắc thị trường Trung Quốc...




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục