Những cổ phiếu thị giá hơn 100.000 đồng: Sabeco dẫn đầu

27/11/2019 07:08 GMT+7
Cổ phiếu SAB vừa dẫn đầu danh sách "Những cổ phiếu có thị giá hơn 100.000 đồng" vừa là cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở thời kỳ chứng khoán sốt nóng, các sàn giao dịch tràn ngập cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng. Thậm chí có mã vượt mức nửa triệu đồng như FPT của Công ty cổ phần Tập đoàn FPT. Thế nhưng hiện nay, các mã có thị giá trên 100.000 đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM, chỉ có tổng cộng 15 mã.

SAB của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang dẫn đầu danh sách này suốt thời gian dài qua. Điều đó có nghĩa SAB cũng là cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch 26/11, SAB dừng ở mức 230.000 đồng/CP. Dù giảm tới 3.000 đồng/CP và khiến vốn hóa thị trường Sabeco "bốc hơi" 1.924 tỷ đồng nhưng SAB vẫn chưa có đối thủ nào đáng gớm cho vị trí số 1 này. Với vốn hóa thị trường lên đến 147.495 tỷ đồng, SAB đứng ở vị trí 8 trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường nhất sàn chứng khoán.

Những cổ phiếu thị giá hơn 100.000 đồng: Sabeco dẫn đầu - Ảnh 1.

Những cổ phiếu thị giá hơn 100.000 đồng, Sabeco dẫn đầu

Đây là mức giá trung bình của SAB trong năm 2019. Trước đó, SAB đã lập "đỉnh" trong ngày 12/7 khi leo lên mức giá 287.350 đồng/CP. Như vậy, so với "đỉnh", mức giá hiện tại của SAB giảm tới 57.350 đồng/CP, tương ứng 20%.

Đứng ngay sau SAB là Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa. Giới đầu tư chứng khoán không ngạc nhiên với VCF vì trong suốt nhiều năm qua, VCF thường xuyên có thị giá trên 100.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm cổ phiếu này còn vượt mốc 200.000 đồng/CP. 

Cổ phiếu VCF khó có khả năng giảm sâu vì tính cô đặc của mình. Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB) (Công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan) là cổ đông lớn nhất và sở hữu tới 98,49% vốn VinaCafé Biên Hòa.   

Vị trí thứ 3 thuộc về cái tên khá xa lạ: Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, NTC dừng ở mức 170.000 đồng/CP. Có thị giá cao nhưng xét về vốn hóa thị trường, NTC chỉ là "tí hon" khi vốn hóa chỉ đạt 2.720 tỷ đồng.   

Không phải cổ phiếu nóng nhưng WCS của Công ty cổ phần Bến Xe Miền Tây đã có "thâm niên" nằm trong danh sách này. Với mức giá 148.200 đồng/CP, WCS đứng ở vị trí thứ 4. Trước đó, vào ngày 9/10, WCS đã đạt "đỉnh" ở mức 158.000 đồng/CP.  

VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet chốt Top 5 với mức giá 143.300 đồng/CP. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường của Vietjet lên đến 77.613 tỷ đồng. VJC đứng ở vị trí thứ 13 trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán.

Dù không lọt vào Top nhưng VJC đã vươn xa đối thủ Vietnam Airlines về thứ hạng. Vị trí của Vietnam Airlines chỉ là 24. Vốn hóa của Vietnam Airlines ngày càng đuối sức so với Vietjet khi chỉ đạt khoảng 48.000 tỷ đồng.

CAB của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt. CAB nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư không phải bởi mức giá cao ngất ngưởng 140.900 đồng/CP và đứng ở vị trí 6. CAB xứng đáng là "cổ phiếu zombie" của sàn chứng khoán Việt Nam.    

CAB chào sàn UpCOM từ ngày 6/9/2019, từ đó đến nay cổ phiếu này đã trải qua 58 phiên giao dịch nhưng không có bất cứ cổ phiếu nào được chuyển nhượng thành công. Vì vậy, giá cổ phiếu CAB luôn đứng ở mức 140.900 đồng/CP. Có thể nói, thị giá cao của CAB không có nhiều ý nghĩa.   

Nếu xem cơ cấu cổ đông của CAB thì không khó để lý giải hiện tượng này. Hiện tại, Đài truyền hình Việt Nam là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ tới 98,55% vốn Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam. Nếu cơ cấu cổ đông không được cải thiện, có lẽ CAB tiếp tục duy trì vị thế "cổ phiếu zombie".   

Đứng ở vị trí thứ 7 là cổ phiếu SCS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn. Đóng cửa phiên 26/11, SCS dừng ở mức 139.900 đồng/CP. Thị giá cao nhưng SCS xa lạ với đại bộ phận nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Vì vậy, thanh khoản của mã này rất yếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên của SCS chỉ đạt 5.850 đơn vị. 

Đứng ngay sau SCS là gương mặt quen thuộc. VNM của Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quá quen mặt trong danh sách này. Với mức giá 123.000 đồng/CP, VNM giúp vốn hóa thị trường Vinamilk đạt gần 215.000 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sác các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán. Trước đó, có thời điểm VNM nắm giữ vị trí quán quân.    

Đứng ở vị trí thứ 9 là một cái tên khá xa lạ: VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Với mức giá cao ngất ngưởng 121.200 đồng/CP và giao dịch trên sàn UpCOM, thanh khoản của VEF rất thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên của SCS chỉ đạt 3.077 đơn vị.   

Khép lại Top 10 là VIC của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup. Với mức giá 115.200 đồng/CP, VIC giúp Vingroup có vốn hóa lên tới hơn 385.000 tỷ đồng. Nhờ đó VIC trở thành cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.   

5 cái tên tiếp theo giúp hình thành nên Top 15 là MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (113.500 đồng/CP); SDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (113.000 đồng/CP); GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (103.100 đồng/CP); TBD của Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh (102.200 đồng/CP) và SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (101.600 đồng/CP).

My My
Cùng chuyên mục