Những dự báo "nóng bỏng" về xăng dầu thế giới, bao giờ giá giảm?
Giá dầu tăng khiến giá xăng tại Mỹ liên tục lập kỷ lục mới
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index Năng lượng hiện đã vượt mức 6.000 điểm, đóng cửa ngày 9/6 ở mức 6.124 điểm. Đây là chỉ số đo lường sự biến động của 5 mặt hàng chính trong nhóm năng lượng đang được liên thông giao dịch với thị trường thế giới: Dầu thô WTI (NYMEX), dầu thô Brent (ICE EU), dầu ít lưu huỳnh (ICE EU), xăng pha chế RBOB (NYMEX) và khí tự nhiên (NYMEX). Chỉ số này đã tăng 52% so với cuối năm 2021 và tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh xu hướng tăng rất mạnh trên thị trường năng lượng trong năm qua.
Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7 và dầu Brent kỳ hạn tháng 8 lần lượt đóng cửa ngày 9/6 ở mức 121,51 và 123,07 USD/thùng. Theo ghi nhận từ Trung tâm Giao nhận Hàng hóa MXV, giá xăng trung bình tại Mỹ đã vượt mức 5 USD/gallon vào ngày thứ năm sau 13 ngày tăng liên tiếp và là ngày thứ 30 trong 31 ngày giao dịch gần nhất giá xăng lập kỷ lục tại quốc gia này. Một số bang như California đã ghi nhận giá xăng tiến sát mốc 6,5 USD/gallon. Mùa du lịch và cao điểm lái xe đã bắt đầu tại Mỹ từ cuối tháng 5 và dự kiến nhu cầu sẽ tăng vọt vào kỳ nghỉ quốc khánh của Mỹ vào đầu tháng 7 tới.
Mặc dù giá xăng đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng tiêu thụ xăng tại Mỹ chỉ giảm khoảng 5% so với cùng thời điểm năm 2021. Trong lịch sử, khi giá xăng tăng cao, người dân Mỹ thường có xu hướng cắt giảm các chi tiêu cơ bản, thay vì giảm nhu cầu đi lại, du lịch. Điều này có thể mang lại những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đang đứng trước nguy cơ suy thoái như tại Mỹ.
Giới chuyên gia dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trên Sở giao dịch ICE EU sẽ đạt trung bình 140 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, so với mức 125 USD/thùng trong dự báo trước. Goldman Sachs cũng cho rằng giá xăng bán lẻ tại Mỹ sẽ phải tăng lên mức tương đương giá dầu 160 USD/thùng thì mới có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Trong dài hạn, Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, tăng 10 USD/thùng so với báo cáo trước.
Là một trong những ngân hàng thường đưa ra nhận định thấp nhất về giá dầu trong thời gian vừa qua, Citibank cũng vừa nâng các dự báo giá dầu trong quý III và quý IV năm nay. Theo đó, giá dầu Brent dự báo sẽ đạt 99 USD/thùng vào quý III và đạt 85 USD/thùng vào quý IV năm nay, tăng 12 USD/thùng so với dự báo trước. Giá dầu sẽ giảm xuống 75 USD/thùng, theo dự báo của Citibank, nhưng vẫn cao hơn 16 USD/thùng so với báo cáo trước đó.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đồng loạt nâng các dự báo giá xăng, dầu và khí đốt. Cụ thể, giá dầu Brent đang dược EIA dự báo sẽ đạt hơn 111 USD/thùng trong quý III, so với mức 104 USD/thùng trong dự báo trước. Vào quý IV, EIA tăng dự báo giá dầu từ 101 lên 105 USD/thùng. Dự báo của EIA dựa trên việc đánh giá sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức tăng sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ và động thái xả kho dự trữ của Mỹ. Theo chuyên gia từ JP Morgan Chase, sản lượng khai thác thực tế của nhóm OPEC+ sẽ chỉ tăng thêm 160.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 170.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với cam kết tăng hạn ngạch thêm 648.000 thùng/ngày. Trước bối cảnh giá dầu liên tục tăng phi mã, chuyên gia của Moody’s Analytics cho rằng nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái nếu giá dầu lên tới 150 USD/thùng.
Nhu cầu tiêu thụ sẽ quyết định xu hướng của giá xăng dầu
Về lý thuyết, để thị trường bắt đầu một chu kỳ giảm, cần có sự thay đổi đáng kể về cán cân cung – cầu của xăng, dầu trên toàn thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung gần như không có khả năng tăng đột biến trong ngắn và trung hạn: OPEC+ không thể tăng sản lượng như cam kết, EU cấm vận dầu Nga khiến sản lượng dầu của Nga sụt giảm, Mỹ ít khả năng sẽ tiếp tục xả kho dự trữ chiến lược,… Nhu cầu sẽ là yếu tố then chốt quyết định khi nào giá dầu sẽ giảm trở lại.
Tại Trung Quốc, giới phân tích đang theo sát tình hình dịch bệnh Covid-19, bởi đây là yếu tố có thể tác động lớn tới nhu cầu sử dụng xăng dầu tại quốc gia tỷ dân này. Mới đây, Thượng Hải và Bắc Kinh đã phát đi những cảnh báo mới về dịch bệnh Covid-19. Nhiều khu vực của Thượng Hải áp đặt lệnh phong tỏa mới, trong khi quận đông dân nhất Bắc Kinh đóng cửa các tụ điểm giải trí. Nếu tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân Trung Quốc sẽ còn bị đình trệ. Báo cáo của Hải quan Trung Quốc ngày hôm qua cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong 5 tháng đầu năm giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ sẽ gắn chặt với triển vọng kinh tế của quốc gia này. Thị trường đang nín thở chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ vào tối nay. Bộ trưởng tài chính Janet Yellen cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao và chính phủ Mỹ có thể sẽ tăng dự báo lạm phát 4,7% trong năm nay. Ngân hàng thế giới (WB) cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ lạm phát đình trệ tương tự những năm 1970. Theo MXV, tác động của suy thoái kinh tế, nếu có, cũng sẽ chỉ tác động đến nhu cầu sử dụng xăng dầu tại Mỹ trong dài hạn. Khi giá dầu lên mức 150 hoặc thậm chí 160 USD/thùng, người dân Mỹ mới bắt đầu cắt giảm nhu cầu tiêu thụ, sau khi đã “ngấm đòn” từ lạm phát. Còn trong ngắn hạn, mức tiêu thụ tại Mỹ sẽ vẫn ổn định, và điều này sẽ khiến giá dầu tiếp tục neo ở các vùng giá cao trong thời gian tới.
Giá xăng dầu trong nước sắp tăng mạnh?
Trong nước, cập nhật đến ngày 7/6, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu bán lẻ theo thị trường Singapore tiếp tục tăng so với đợt điều hành giá trong nước kỳ trước. Xăng RON 92 giá 148,36 USD/thùng, xăng RON 95 là 154,9 USD/thùng, dầu diesel 170,44 USD/thùng. Trước đó 1 ngày, xăng RON 92 cao hơn 2 USD/thùng và xăng RON 95 cao hơn gần 2,5 USD/thùng.
Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, giá nhiên liệu thế giới đang trên đà tăng, tại kỳ điều chỉnh giá trong nước sắp tới (dự kiến ngày 11/6), nếu không có "cơ chế" nào được đưa ra, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh. Giá xăng bán trong nước hiện đã thấp hơn giá nhập 700 - 900 đồng/lít, giá dầu còn chênh lệch cao hơn, từ 1.500 - 2.000 đồng/lít.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nhập khẩu dầu thô của Việt Nam đạt 705,5 nghìn tấn, tương đương 500 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 47% lần về giá trị so với tháng 4.
Lũy kế 5 tháng, nhập khẩu dầu thô đạt 4 triệu tấn, tương đương 2,5 tỷ USD, tăng 5% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5, giá dầu thô nhập khẩu khoảng 709 USD/tấn, tăng gấp 1,5 lần so với tháng 5/2021 và tăng hơn 4 lần so với tháng 5/2020. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp, giá dầu thô nhập khẩu ở mức trên 600 USD/tấn, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung năm 2021, 2020.
Tính chung 5 tháng, giá dầu thô nhập khẩu đạt 696 USD/tấn, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu trong quý II dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu m3, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3, chiếm gần 27% tổng cung.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II/2022 theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).
Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II/2022 là 1,83 triệu m3 (tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3)
"Sản lượng thông báo này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP", Bộ Công Thương cho biết.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, PVNDP đã và đang tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4/2022 và lịch giao hàng cho tháng 5/2022. Đối với việc giao hàng cho tháng 6/2022, PVND đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.
Dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3; Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3); nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).
"Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3", Bộ Công Thương cho biết.