Những hãng hàng không "chết yểu" tại Việt Nam
Theo đánh giá, Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được coi là cái tên đầy triển vọng. Vì thế, việc tuyên bố rút khỏi cuộc chơi trong lĩnh vực vận tải hàng không của Vingroup khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Lý do cho quyết định trên được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup".
Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng nội địa bao gồm Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Jetstar Pacific, Vasco và Vietstar Airlines. Bên cạnh đó, một số đơn vị khác cũng muốn đặt chân vào lĩnh vực này như Kite Air (Cánh Diều) hay Vietravel Airlines.
Sự việc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng cửa Vinpearl Air cũng một lần nữa cho thấy đây là một lĩnh vực "kén" người chơi và tiềm lực tài chính chưa thể là một đảm bảo cho thành công. Những cú "delay vô thời hạn" của những tên tuổi trong quá khứ đã nhiều lần chứng minh cho thực tế này.
Hãng "Tang Toc" - Indochina Airlines
Indochina Airlines là tên tuổi đầu tiên phải nhắc đến về những hãng bay tư nhân bị "hụt hơi" trong cuộc chiến giành thị phần bầu trời tại Việt Nam. Indochina Airlines có mặt từ rất sớm, là hãng bay tư nhân thứ hai của Việt Nam được cấp phép bay sau Vietjet Air.
Giữa năm 2008, Indochina Airlines được thành lập với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Tên gọi của hãng bay này ban đầu là Công ty CP Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC.
Tuy nhiên, 4 tháng sau, tức tháng 10/2008, hãng bay của nhạc sĩ Hà Dũng được đổi tên thành Indochina Airlines. Một trong những nguyên nhân là tên gọi ban đầu có thể đọc thành "Tang Toc" khi bỏ dấu, chuyển sang tiếng Anh.
Tháng 11/2008, Indochina Airlines có chuyến bay đầu tiên. Thời điểm đó, đội bay của hãng gồm 2 chiếc Boeing 737 đi thuê và khai thác các đường bay nội địa.
Thời kỳ đỉnh cao, hãng khai thác khoảng 6 đường bay. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến nhu cầu di chuyển bằng hàng không giảm mạnh. Tháng 9/2009, Indochina Airlines chỉ còn 1 chặng bay duy nhất là TP HCM - Hà Nội nhưng vẫn kém khách.
Năm 2011, hãng dần teo tóp, nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên và xin ngừng cất cánh. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.
Giải thích nguyên nhân rút giấy phép bay của hãng này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết do Indochina Airlines đã ngừng khai thác quá lâu, và cũng không có một động thái nào cho thấy hoạt động trở lại.
Air Mekong: Dừng bay chỉ hơn 2 năm ra mắt
Xuất phát sau Vietjet Air và Indochina Airlines là hãng bay tư nhân Air Mekong. Hãng bay này có cùng lúc nhiều nhà đầu tư góp vốn, mà đại diện là Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group).
Air Mekong chính thức bay vào tháng 10/2010. Sau 2 năm có mặt trên thị trường hàng không, Air Mekong có 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900, có thể bay trên độ cao 12.000 m với 13 đường bay đến 9 điểm nội địa.
Giữa năm 2012, Air Mekong kí kết đối tác chiến lược với Eximbank. Theo đó, Eximbank sẽ tham gia góp 11% vốn điều lệ vào Air Mekong, dự kiến trở thành một cổ đông lớn của hãng. Tuy nhiên, hợp đồng giữa Air Mekong và Eximbank đã không thành công.
Lãnh đạo Air Mekong từng thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Doanh thu của Air Mekong năm 2012 cao hơn 7% so với 2011, nhưng cũng không mấy khả quan.
Cuối năm 2012, CEO Lương Hoài Nam xin nghỉ việc sau 4 tháng nhậm chức. Tháng 2/2013, Air Mekong chính thức ngừng bay, trả 4 máy bay cho đối tác với lí do tái cơ cấu và tìm loại máy bay tốt hơn.
Đầu năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã huỷ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã cấp cho Air Mekong.
Trãi Thiên: Mất dấu khi chưa kịp bay
Không chỉ các hãng kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách "hụt hơi", mà một số hãng bay xin gia nhập thị trường ngách với các dịch vụ khác như vận chuyển hàng hóa, du lịch trực thăng cũng sớm "chết yểu".
Trong đó, Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không tư nhân đầu tiên trong nước được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện.
Thành lập vào tháng 6/2008, Trãi Thiên được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước từ tháng 10/2009, với vốn 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép đến 1 năm, hãng vẫn chưa công bố kế hoạch sắm máy bay, lên lịch bay. Trong khi nhân viên liên tục gửi đơn tố cáo nợ lương, cán bộ chủ chốt tìm chỗ làm mới.
Cuối năm 2011, Cục Hàng không rút giấy phép kinh doanh của Trãi Thiên, vì hãng không có bất cứ dấu hiệu gì về khả năng cất cánh.
Blue Sky Air: Được cấp phép bay rồi mất hút
Không như các hãng khác, Blue Sky Air đăng kí khai thác các loại máy bay trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác. Tháng 8/2010, Blue Sky Air được Cục Hàng không cấp phép hoạt động.
Ban đầu hãng đăng kí khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước.
Ở thời điểm thành lập, ông Đỗ Anh Quân - Tổng Giám đốc Blue Sky Air, cho biết trong nhịp sống hiện đại, thời gian, thời cơ là tài sản vô giá. Vì vậy việc đi lại được bảo đảm bằng sự phục vụ an toàn, tin cậy, cơ động nhanh, tiết kiệm thời gian luôn được nhiều đối tượng khách hàng nhắm đến.
Theo ông Quân, hoạt động chủ yếu của hãng bay này là khai thác các tour du lịch bằng trực thăng. Đồng thời, tận dụng bãi đỗ trên các tòa nhà cao tầng để thực hiện các dịch vụ khác liên quan như về y tế, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ…
Tuy nhiên, kể từ khi gây tiếng vang ra mắt, đến nay vẫn không có thêm thông tin nào về hoạt động của Blue Sky Air.