Những nông sản trúng giá giúp nhà nông lãi đậm

04/02/2022 08:14 GMT+7
Năm qua, nhiều nông sản như: hồ tiêu, cà phê, cao su, chuối,… đã trúng giá

Được mùa, trúng giá luôn là giấc mơ của nhà nông. 

1. Hồ tiêu

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 261.000 tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. Kết quả này cho thấy giá hồ tiêu đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở trong nước, đầu tháng 3-2021, giá hồ tiêu xoay quanh mức 50.000 đồng/kg đã tăng "nóng" và lập đỉnh 90.000 đồng/kg vào vào tháng 10-2021, giá trung bình cả năm 80.000 đồng/kg.

Những nông sản trúng giá giúp nhà nông thắng đậm - Ảnh 1.

Giá hồ tiêu đang vào chu kỳ tăng

Theo ông Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2022, giá hồ tiêu được dự báo lên mức 100.000 đồng/kg do nhu cầu thế giới tăng nhưng nguồn cung giảm. "Với sản lượng xuất khẩu chiếm hơn 50% thương mại hồ tiêu thế giới, chỉ cần Việt Nam không bán ra là hồ tiêu sẽ tăng giá. Nhiều nông dân trồng hồ tiêu đã có tích lũy tài chính từ thời giá hoàng kim 200.000 đồng/kg năm 2016 nên có thể trữ hồ tiêu trong 3 năm. Việc nông dân không cần bán hồ tiêu ngay khi thu hoạch như nhiều nông sản khác khiến hồ tiêu tăng giá" – ông Nam phân tích.

Trước diễn biến lạc quan của thị trường hồ tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa hồ tiêu trở lại "câu lạc bộ tỉ đô" với kế hoạch xuất khẩu 1,05 tỉ USD năm nay.

2. Cà phê

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, tháng 12-2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 6-2017, tăng 28,7% so với tháng 12-2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm 2020 giúp cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2021 đạt xấp xỉ 3 tỉ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020.

Những nông sản trúng giá giúp nhà nông thắng đậm - Ảnh 2.

Cà phê Robusta có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu năm 2022

Dự báo năm 2022, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao. Nguyên nhân do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn cung giảm từ các nước sản xuất lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Hiện tại, do thiếu nguồn cung cà phê Arabica, một số nhà rang xay đang tìm đến phương án phối trộn cà phê Arabica và Robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê Robusta rang xay. Robusta là cà phê Việt Nam có thế mạnh với sản lượng xuất khẩu chiếm vị trí số 1 thế giới.

3. Cao su

Theo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), năm 2021, VRG đã tiêu thụ hơn 450.000 tấn cao su, giá bán bình quân cao hơn 27% so với năm trước. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy xuất khẩu cao su cả năm 2021 đạt 3,313 tỉ USD, sản lượng 1,975 triệu tấn, tăng 39% về giá trị và tăng 12,86% về sản lượng. Điều này cho thấy năm qua ngành cao su vừa trúng mùa vừa trúng giá. Chủ các vườn cao su đều cho biết năm qua họ đạt lợi nhuận hơn 50% trong tổng doanh thu nên năm nay ăn Tết lớn.

Những nông sản trúng giá giúp nhà nông thắng đậm - Ảnh 3.

Công nhân công ty thành viên VRG thu hoạch cao su ở Bình Dương

Các dự báo giá cao su năm 2022 cũng cho thấy trong quý I sẽ đi ngang với mức giá 2.400 USD/tấn và có thể bật tăng lên mức 3.800 USD/tấn vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Năm 2022, ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỉ USD, tăng 5,6% so với năm 2021.

Giá chuối tăng "cứu" bầu Đức

Chuối là cây trồng chủ lực của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hiện nay với diện tích 5.000 ha, trong đó 2.500 ha trồng tại Việt Nam. Theo ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL, giá chuối tăng trong năm qua đã góp phần cải thiện tình hình tài chính HAGL, với lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỉ đồng năm 2021.

Theo bầu Đức, chuối HAGL xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc "chốt" giá nguyên năm ở mức khoảng 12 USD/thùng 13 kg. Trong khi đó, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 70% sản lượng) giá bán lại "chốt" theo tuần và đã tăng từ 9 USD/thùng lên 16 USD/thùng vào cuối năm 2021. Nguyên nhân, theo bầu Đức vì chuối Philippines gặp dịch bệnh - đây là nguồn cung lớn cho thị trường Trung Quốc nên Trung Quốc phải tìm nguồn hàng thay thế từ Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường bộ ách tắc cũng khiến chuối, mặt hàng đã quen xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển (khoảng 65%, trong khi thanh long chỉ 23%-PV) hưởng lợi do được chọn thay thế.

trung gia_chuoi

Giá chuối tăng trong năm qua đã khiến bầu Đức - đại gia đầu tư vào nông nghiệp tự tin trở lại

Vương Ngọc
Cùng chuyên mục