'Nội chiến' gia tộc cặp song sinh giàu nhất nước Anh
Gia tộc kín tiếng thành ồn ào
Anh em nhà Barclay, David và Frederick, sinh năm 1930 ở London, vươn lên từ những họa sĩ và nhà trang trí tuổi teen để trở thành những tỷ phú ẩn dật khét tiếng nhất Vương quốc Anh. Họ là gia tộc sở hữu dịch vụ giao hàng Yodel, tạp chí Daily Telegraph và Spectator, tập đoàn bán lẻ Very và khách sạn Ritz tại London.
Hai mươi năm trước, một ngày cuối tháng 10, cặp song sinh quỳ bên nhau trước Nữ hoàng Anh. Theo nghi thức tuyền thống, Nữ hoàng đặt thanh kiếm của mình lên vai họ để phong tước hiệp sĩ, vì những đóng góp cho hoạt động từ thiện.
Buổi phong tước cũng là dịp hiếm hoi mà Frederick và David Barclay xuất hiện trước công chúng và trả lời báo chí. "Đối với chúng tôi, đây là một ngày tuyệt vời. Đây cũng là một ví dụ cho thấy những gì chúng ta có thể đạt được ở đất nước này, cho dù có nền tảng, giáo dục hoặc khởi đầu khiêm tốn", David chia sẻ.
David Barclay sinh sau người anh Frederick Barclay 10 phút. Mọi người thường chỉ có thể phân biệt họ bằng mái tóc. Frederick thuận tay trái với tóc chải về bên phải còn David thuận tay phải với tóc chải về bên trái. Anh em họ ẩn dật và hiếm khi được nhìn thấy hoặc chụp ảnh trước công chúng trong hàng chục năm.
Cha họ qua đời lúc cặp đôi đang còn tuổi thiếu niên. Họ bỏ học lúc 16 tuổi và có thành công đầu tiên với một khách sạn nhỏ tên Notting Hill vào những năm 1950. Frederick nhận ra rằng nếu cải tạo cho đẹp hơn, họ có thể tính giá phòng gấp ba. Nhiều khách sạn và nhà trọ đã làm theo cách này vào những năm 1970.
Bước ngoặt giàu có đến nhờ việc mua lại một tập đoàn vận chuyển và sản xuất bia tên Ellerman Lines, vào năm 1983 với giá 45 triệu bảng. Vài năm sau, họ bán bộ phận sản xuất bia với giá 240 triệu bảng nhưng vẫn giữ tên Ellerman cho tập đoàn đến ngày nay.
Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2018, giá trị tài sản ròng của anh em ước tính lên tới 5,8 tỷ USD, với một đế chế đa dạng bao gồm Very (trước đây là Shop Direct), một đại gia bán lẻ qua trực tuyến, và tờ Daily Telegraph. Nhưng có lẽ họ nổi tiếng hơn nhờ các khách sạn, bao gồm tòa tháp chung cư cao tầng Mirabeau của Monaco và tập đoàn Maybourne. Nhưng viên ngọc quý của họ là khách sạn Ritz tại Lodon mà họ đã mua 25 năm trước với giá 75 triệu bảng.
Sau nhiều thập kỷ sống kín tiếng đằng sau lâu đài gạch màu xám phong cách gothic trên một hòn đào riêng, được mua năm 1993 với giá 2,3 triệu bảng, gia đình Barclay đột ngột nổi tiếng trên truyền thông từ tháng 2/2020.
Năm nay, ở tuổi 85, họ khổ tâm giải quyết loạt rắc rối của con cái - những người được sinh ra trong sung sướng hơn cha chú để giành quyền kiểm soát kinh doanh và khối tài sản 4 tỷ USD mà họ đã cùng nhau tạo ra.
Quyết định 'sai lầm' của Frederick
Mọi thứ nóng lên vào tháng trước, khi đoạn phim được phát hành bởi các luật sư của Frederick, cho thấy một trong những người con trai của ông David là Alistair Barclay, đã lắp đặt một thiết bị nghe lén trong phòng họp tại khách sạn Ritz khi Frederick và con gái Amanda thảo luận về việc bán khách sạn.
Ông Frederick lo lắng ai đó theo dõi nên yêu câu nhân viên an ninh kiểm tra hệ thống camera. Khi trực giác của ông là chính xác, ông tuyên bố trên BBC rằng hành vi của Alistair là xâm phạm có chủ ý đến quyền riêng tư.
Các tài liệu được tiết lộ bởi nhóm luật sư cho các con trai của David tại tòa hôm thứ hai (8/6) xác nhận Alistair đã thảo luận với cháu trai Andrew. Nhưng Alistair không hỏi ý kiến các thành viên khác trong gia đình, khi quyết định lắp một thiết bị ghi âm trong phòng họp khách sạn để ghi lại cuộc trò chuyện của người bác Frederick Barclay. Tài liệu cũng tiết lộ rằng, các con của ông David đã thảo luận cùng nhau về nội dung đã ghi âm được qua một nhóm trò chuyện trên WhatsApp.
Thiết bị ghi âm và máy tính xách tay được Alistair sử dụng đã bị phá hủy và ném bỏ bởi người quản gia của ông ta.
Trước vụ kiện nghe lén, bất hòa giữa hai anh em còn xuất hiện 4-5 năm trước, khi David muốn có thêm cải cách trong bộ máy tổ chức nhưng bị ông Frederick từ chối. Hai anh em hiện sống cuộc sống riêng biệt, rời khỏi lâu đài của họ để sống ở những nơi khác tại Monaco và London.
Việc bán khách sạn Ritz và cơ cấu sở hữu phức tạp của gia đình Barclay cũng là trung tâm của cuộc chiến pháp lý. Nhóm nhà David đã bán khách sạn vào đầu năm nay với số tiền khoảng 890 triệu đến 1,1 tỷ USD. Nhóm nhà Frederick cảm thấy rằng khách sạn đáng lẽ phải được bán với giá cao hơn, khoảng 1,5 tỷ USD, nhưng bị cho đứng ngoài và chỉ đọc được thông tin qua báo chí.
Frederick và con gái Amanda cảm thấy như bị cho ra rìa trong quá trình đàm phán. Họ cũng bức xúc rằng, con trai của David là Aidan đã nhờ bác Frederick giúp tìm người mua khách sạn. Aidan biết rõ có hai hồ sơ dự thầu - một với giá 1,2 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD) và một với giá 1,3 tỷ bảng (1,6 tỷ USD). Tuy nhiên, cuối cùng ông quyết định bán Ritz cho đối tác khác với giá thấp hơn mà không thảo luận gì với nhà Frederick.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên và bối rối trước thông báo khách sạn Ritz đã được bán. Chúng tôi không được hỏi ý kiến cũng như không chấp thuận thương vụ này", người phát ngôn nhà Frederick nói khi tin khách sạn hoàn tất sang tay.
Sở dĩ có tình huống này vì một nguồn tin của Forbes cho biết, cơ cấu sở hữu của hai anh em không bằng nhau. Nguồn cơn bắt đầu từ một cú gật đầu trên chiếc du thuyền The Lady Beatrice, ở đâu đó trên biển Địa Trung Hải vào 30 năm trước.
Khi ấy, David Barclay đang ốm nặng và nhờ anh trai Frederick "làm gì đó cho em trước khi em chết". David yêu cầu anh trai từ bỏ một số cổ phần của mình và chuyển chúng cho các con ông là Aidan, Howard và Duncan. Ý tưởng của người em là cặp đôi sẽ chuyển giao quyền lực kiểm soát đế chế kinh doanh nhà Barclay cho thế hệ kế thừa, bao gồm con gái Amanda của Frederanda và 3 con trai của David. Bốn người này sẽ nắm một lượng cổ phần như nhau là 25% mỗi người.
Điều đó đồng nghĩa, ông Frederick phải tặng một nửa trong số 50% cổ phần đang nắm giữ cho các cháu. Frederick sau đó đã mô tả quyết định của mình là "sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi". Quyết định đó khiến một bên gia đình nhà David chiếm quyền điều hành lớn hơn gia đình nhà Frederick. Từ đó, việc tự ra quyết định kinh doanh, chi phối công việc làm ăn của nhà David đã tạo ra những câu chuyện kịch tính, giáng đòn chí tử vào mối quan hệ giữa cặp song sinh.
Thêm vào đó, tuổi tác đã đóng góp một phần. Có một khoảng cách thế hệ giữa Amanda, 42 tuổi và các em họ của cô, những người ở độ tuổi 60.
"Amanda luôn nhận ra ngay từ đầu rằng Aidan không thích cô. Ông ta là đàn ông, người lớn tuổi nhất điều hành công ty và cô ấy xuất hiện 20 năm sau đó", một nguồn tin giấu tên bình luận về mối quan hệ của thế hệ kế cận.
Cuộc chiến chưa kết thúc
Tất cả những tranh chấp, bao gồm cả việc chia 25% -75% tài sản của gia đình, có thể sẽ được quyết định tại tòa án trong những năm tới. Đã từ lâu, sự phức tạp trong cách phân chia và nắm giữ tài sản gia đình, liên quan đến những thực thể được đặt bên ngoài nước Anh, đã là câu hỏi bí ẩn của nhiều người. Theo Forbes, trận chiến giữa hai anh em và đàn con cháu có thể châm ngòi cho các cuộc điều tra sâu hơn về một trong những gia tộc tỷ phú "kỳ quặc" nhất nước Anh.
Trong một bình luận trên Tortoise Media vào đầu tháng 3, nhà báo Jane Martinson bình luận rằng: "Câu chuyện về Barclays và đế chế kinh doanh của họ là một vấn đề của thời đại chúng ta, khi mà họ có thể tạo ra một đế chế quá phức tạp và bí mật, không ai có thể thực sự nói chắc chắn tất cả số tiền đang nằm ở đâu". Cây bút này ví von, cấu trúc tài chính của đế chế kinh doanh Barclay như được che phủ bởi làn sương mù.
Vào năm 2012, hai anh em là đối tượng điều tra của BBC Panorama trong một cuộc lùm xùm về nộp thuế của Ritz. Đáp lại, David Barclay tuyên bố anh em họ không có quyền lực biên tập, chính trị hay kinh tế ở Anh.
"Chúng tôi đã không còn tham dự các cuộc họp văn phòng, quản lý hoặc hội đồng quản trị ở Anh kể từ khi rời đất nước", ông David nói. Tuy nhiên, theo Forbes, thực tế cặp đôi vẫn can thiệp vào công việc kinh doanh những khi cần thiết. Từ năm 1995, ông Frederick cũng có vai trò tương đối rõ ràng trong công ty gia đình.