Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 19/02/2022 08:44 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thế giới đang ở mức cao làm gia tăng sức ép tới lạm phát, từ đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Nhưng áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu.
Bình luận 0

Gia tăng sức ép lạm phát từ giá dầu, lo "ăn mòn" tăng trưởng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 1.

Gia tăng sức ép lạm phát từ giá dầu. (Nguồn: TCTK)

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay: "Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa".

Như vậy theo ông Long, giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung tăng, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. "Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực".

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 2.

Chuyên gia lo ngại lạm phát gia tăng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: DV)

Chuyên gia hiến kế "kìm" lạm phát

Nhóm nghiên cứu tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định việc giá dầu thế giới giữ ở mức cao sẽ khiến nhóm hàng hóa giao thông có mức tăng giá đáng kể trong tháng 2.

Ngoài ra, khi hoạt động sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi, áp lực lạm phát được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn.

Từ các yếu tố trên, VCBS dự báo lạm phát tháng 2 có thể tăng 0,6% - 0,7% trên cơ sở tháng, tương ứng tăng 1,02% - 1,12% trên cơ sở năm.

Dự báo cho cả năm 2022, VCBS cho rằng, lạm phát tăng khoảng 4,0-4,5% trong năm 2022, tuy nhiên khẳng định: "Với các nguồn lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ và dư địa chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 3.

Dự báo lạm phát 2022.

Lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, việc Việt Nam chịu áp lực lạm phát cao không có gì là lạ, đặc biệt là áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu, mà còn nhiều yếu tố khác nữa.

Tuy nhiên, theo ông Phú, lạm phát trong năm 2022 sẽ có khả năng chỉ dao động trong khoảng 2,7-3,5% nếu Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề.

Đầu tiên là vấn đề về năng lượng, nguyên vật liệu.

Ông Phú cho biết, sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác đặc biệt là các ngành như điện tử, đệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất,… Điều này gây bất lợi cho Việt Nam khi giá năng lượng, nguyên nhiên vật, liệu,... tăng lên.

"Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.

Khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát", ông Phú nêu quan điểm.

Yếu tố thứ hai cần quan tâm đến đó là cầu tiêu dùng.

Sau 1 thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được "bung ra" một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm, du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch. 

Từ đó, tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ông Phú cho rằng, cần khuyến khích tiêt kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 4.

Sức ép lạm phát gia tăng ngay từ đầu năm. (Ảnh: DV)

Yếu tố thứ 3 khi nói đến lạm không thể không nói đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia.

Vị chuyên gia này phân tích, kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, một khi chợ (kể cả chợ đầu mối, siêu thị) bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn, thì việc đảm bảo cho tiêu dùng bị gián đoạn. Hàng hóa nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ nâng giá làm cho giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng "bị xâm hại 1 cách vô lý".

Chính vì vậy cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa 1 cách vững chắc bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên 1 cách vô lý trên thị trường.

Thực tế, cung hàng hóa Việt khá dồi dào nhưng "cổ họng" bán lẻ còn hẹp dẫn tới tiêu thụ không hiệu quả. Để giải quyết được, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng, ứng dụng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để giao dịch hàng hoá nhanh, ít chi phí, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn, giáo dục thái độ nhân văn, chia sẻ trong chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ... Tất cả những việc làm trên nhằm hạn chế những biến động về giá cả góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả cho những năm tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem