Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam không phải là mối lo, mức trung bình 3% năm 2022

12/02/2022 09:35 GMT+7
Các chuyên gia của HSBC vừa đưa ra nhận định: Kỳ vọng lạm phát của Việt Nam năm 2022 ở mức trung bình 3% (dự báo trước đây là 2,7%) sau khi đánh giá tình hình giá nhiên liệu tăng cao...

Kinh tế Việt Nam "xông đất" bằng những bước đi vững chắc

Sau một năm 2021 đầy vất vả, kinh tế Việt Nam "xông đất" năm 2022 bằng những bước đi vững chắc, có thể thấy rõ trong số liệu thống kê tháng 1.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2022, nhiều chỉ số kinh tế nước ta có dấu hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, với 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%). Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/1/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 151,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,8% dự toán năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm... 

Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình 3% - Ảnh 1.

Biểu đồ 1. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 trong ngày vẫn còn tăng cao ở Việt Nam…

Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình 3% - Ảnh 2.

Biểu đồ 2. …khả năng di chuyển của người dân tiếp tục được cải thiện.

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn gia tăng, Việt Nam đã không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước. Các nhà hoạch định chính sách đã kiên trì theo đuổi chiến lược "sống chung với virus", chủ yếu là nhờ triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc. Các điều kiện này khiến cho tâm lý tiêu dùng tăng cao trở lại giúp bước tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc. Cụ thể, sau khi giảm gần 4% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng có vẻ chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do kết quả của tháng 1/2021 khá cao.

Quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại TP.HCM.

Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình 3% - Ảnh 3.

Biểu đồ 3. Xuất khẩu tăng không nhiều trong tháng 1, chủ yếu do hiệu ứng cơ sở.

Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng đầu năm đạt 1,6% cũng có vẻ không cao, bị kéo xuống do xuất khẩu điện thoại giảm tới 34%. Trong tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6%; nhập khẩu tăng 11,5%. Trong tháng 1 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu của tháng 1 xuất phát từ hiệu ứng cơ sở: Samsung đã ra mắt mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S21 sớm hơn thường lệ trong tháng 1/2021. S21 được tung ra năm ngoái đã đẩy xuất khẩu đi lên một cách vững vàng, HSBC kỳ vọng số liệu xuất khẩu cũng sẽ chuyển biến tích cực tương tự trong tháng 2 năm nay khi mẫu S22 ra mắt vào 25/2. 

Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình 3% - Ảnh 4.

Biểu đồ 4. Chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua, cho thấy tiềm lực mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua cho thấy dấu hiệu sản lượng công nghiệp mạnh mẽ trở lại. Hầu hết các chỉ số chi tiết chính đều thể hiện sự phục hồi bền vững, dự báo một viễn cảnh lạc quan về tình hình sản xuất sẽ lấy lại phong độ như thời điểm trước Covid-19.

Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 ở mức trung bình 3%

Trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN (như Thái Lan và Singapore) đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, song tại Việt Nam, HSBC cho rằng, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm nay. 

Trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. Vì vậy, HSBC tăng nhẹ dự báo mức lạm phát bình quân của năm 2022 của Việt Nam lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Mức này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.

Nóng: Dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức trung bình 3% - Ảnh 5.

Biểu đồ 5. Chi phí vận chuyển là nguyên nhân chính khiến lạm phát toàn phần tăng.

Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 của Tổng cục Thống kê vừa thông báo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,66%.

Nguyên nhân của thực trạng trên được phân tích do tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết cộng với giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định. Có thể thấy, so với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 01/2022 tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.

Lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,26% so với tháng 12/2021, tăng 0,66% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Được biết, không chỉ HSBC, dự báo mới đây của VinaCapital cũng cho biết, dự báo lạm phát của VIệt Nam sẽ ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có những bước tăng lãi suất trong năm nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Lạm phát sẽ là vấn đề nổi bật trong năm nay ở Việt Nam nhưng theo VinaCapital, nó không lớn đến mức có thể khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra động thái tăng lãi suất. Và lạm phát sẽ không gây ra ảnh hưởng đáng kể nào lên giá trị tiền đồng Việt Nam nhờ thặng dư cán cân thanh toán. Hiện Việt Nam có mức dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD, cao xấp xỉ 10% hơn mức gợi ý của IMF đối với dự trữ quốc gia, và nợ được định danh bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam vẫn ở mức dưới 40% GDP...


 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục