Nông dân Lạng Sơn "biến" rau dại trên núi thành rau đặc sản nức tiếng

03/04/2020 09:31 GMT+7
Vốn là cây dại mọc trên núi đá nhưng những năm gần đây người dân Lạng Sơn đã trồng bò khai thành loại rau vườn cho hiệu quả kinh tế cao.

Bò khai là một loại rau rừng mọc ở nhiều vùng núi phía Bắc. Những năm trở lại đây, loại rau này trở nên khan hiếm do nhu cầu tiêu thụ cao. Nhắc đến rau bò khai đặc sản Lạng Sơn thì không thể không nhắc đến vùng núi đá huyện Chi Lăng. Hiện nay, rau bò khai đã trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cho rất nhiều hộ gia đình tại đây. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, loại cây trồng này phát triển mạnh. 

Nông dân Lạng Sơn "biến" rau dại trên núi thành rau đặc sản nức tiếng - Ảnh 1.

Từ một loại rau dại mọc trên rừng, người dân Chi Lăng đã thuần hóa đưa giống về trồng ở gần nhà.

Hiện huyện Chi Lăng đang từng bước hình thành vùng trồng cây rau bò khai, tập trung tại một số xã, thị trấn có đất ven núi đá thuận lợi cho cây bò khai phát triển như: thị trấn Đồng Mỏ (14 ha), xã Thượng Cường (19,5 ha), xã Hòa Bình (7 ha), xã Gia Lộc (7,2 ha)… Đến nay, huyện Chi Lăng có trên 360 hộ trồng cây rau bò khai với tổng diện tích khoảng 50 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 32 ha. Năm 2019, sản lượng rau bò khai toàn huyện Chi Lăng đạt gần 150 tấn. 

Theo người dân thì quy trình trồng và chăm sóc loại rau này cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Khi lấy giống rau bò khai ở rừng về, người dân chặt thành đốt, lấy mắt ươm cho lên mầm rồi đưa đi trồng. Thời gian trồng thường vào tháng 11 đến tháng 12 khi thời tiết ẩm ướt. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần bón phân vi sinh một lần để thúc cây thích nghi với đất.

Nông dân Lạng Sơn "biến" rau dại trên núi thành rau đặc sản nức tiếng - Ảnh 2.

Bò khai được người dân huyện Chi Lăng trồng trong vườn nhà, trồng xen trên núi đá mang lại hiệu quả kinh tế. (Ảnh; Ngọc Thành)

Là hộ gia đình đang trồng và phát triển loại rau này, ông Vi Văn Giang cho biết: "Gia đình tôi trồng 1.200 gốc bò khai 3 năm tuổi, cho thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, gấp 10 lần so với trồng ngô" Ông Giang cho biết, rau bò khai không chỉ là món rau ngon, có hương vị đặc trưng mà còn là một vị thuốc Đông y dùng để chữa một số bệnh về gan, thận và đường tiết niệu… Do vậy, bò khai là một loại rau đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng. 

"Trước đây, người dân miền núi Chi Lăng này thường lên rừng hái rau bò khai về ăn hoặc đem ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, loại rau này ngày càng khan hiếm trên rừng nên giá bán rất cao. Có thời điểm, 1kg rau bò khai rừng được người dân bán với giá gần 50.000 - 80.000/kg", ông Giang nói. 

Nông dân Lạng Sơn "biến" rau dại trên núi thành rau đặc sản nức tiếng - Ảnh 3.

Loại rau này có mùi khá đặc biệt nhưng tốt cho sức khỏe nên được nhiều người ưa chuộng.

Bò khai là loại cây dễ trồng lại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 2 âm lịch đến tháng 10 âm lịch, thường sau khi thu hái từ 3 đến 5 ngày là đã có thể thu hoạch tiếp mà giá trị kinh tế đem lại cao, với giá bán hiện tại dao động từ 30.000 - 40.000/kg đã đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng và trở thành nguồn thu nhập thường xuyên của gia đình. 

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hiện trên địa bàn huyện Chi Lăng đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ) chuyên về trồng rau bò khai với 18 thành viên tham gia. HTX hiện có 7 ha cây rau bò khai, đến nay, sau hơn một năm, HTX đã trồng mới gần 3 ha rau bò khai, nâng tổng diện tích rau bò khai của HTX lên gần 10 ha.

Tháng 8/2019, rau bò khai huyện Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, qua đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Cùng với đó, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau bò khai tại các hội chợ, siêu thị ở Hà Nội. 

Nông dân Lạng Sơn "biến" rau dại trên núi thành rau đặc sản nức tiếng - Ảnh 4.

Rau bò khai được chế biến bằng cách xào tỏi hoặc xào thịt bò rất hấp dẫn.

Hiện nay, huyện Chi Lăng đang tiếp tục triển khai việc tập huấn, hỗ trợ bà con tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo sản phẩm rau bò khai đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với đó, tiếp tục quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho cây rau bò khai huyện Chi Lăng. Năm 2020, dự kiến toàn huyện sẽ mở rộng thêm 10 ha, nâng tổng diện tích cây rau bò khai lên khoảng 60 ha. 

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục