Nông dân Mỹ loay hoay tìm đầu ra cho nông sản
Nhiều nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp Mỹ đối mặt với tình trạng tồn hàng số lượng lớn với các sản phẩm như trứng, sữa và thịt ba chỉ vốn để sản xuất thịt xông khói. Những sản phẩm này theo dự kiến sẽ được vận chuyển số lượng lớn đến các nhà hàng hay khách sạn, và khó có thể được đóng gói, dán nhãn bán trong siêu thị.
Nhưng việc đóng cửa nhà hàng, khách sạn do đại dịch Covid-19 đã khiến nhà sản xuất sữa hiện cho ra số cung vượt cầu 10%. Do sữa vẫn được sản xuất tươi hàng ngày, người nông dân Mỹ không có nhiều lựa chọn ngoài việc vứt bỏ lượng sữa thừa. Theo ông Dennis Rodenbaugh, phó chủ tịch Hiệp hội Nông dân bơ sữa Mỹ, người tiêu dùng hiện cũng đã thay đổi thói quen ăn uống trong giai đoạn cách ly do đại dịch, và điều này tác động tiêu cực hơn tới nền nông nghiệp nói chung. Chỉ riêng tuần trước, nông dân Mỹ đã phải bỏ đi 7% lượng sữa được sản xuất, thậm chí con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới đây.
Những nhà sản xuất bơ vốn quen với việc sản xuất hộp bơ dạng nhỏ để bán cho các nhà hàng, khách sạn giờ đây cũng phải chuyển sang sơ chế và đóng gói dạng hộp lớn để bán ở siêu thị. Một số nhà sản xuất chuyên phục vụ phô mai tảng lớn cho các chuỗi nhà hàng bán pizza và đồ ăn nhanh, cũng không có cách nào khác ngoài việc cắt những tảng phô mai lớn thành miếng nhỏ hay miếng mỏng ăn liền cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thay đổi quy trình sản xuất và đóng gói hiện tốn khá nhiều thời gian, làm gia tăng lượng hàng tồn.
Trong khi nhiều nhà máy sản xuất bơ sữa buôc phải cho nhân viên nghỉ việc, một số trang trại ở Mỹ cũng phải giết mổ bớt bò trong chuồng nhằm tiết kiệm chi phí chăm sóc và giảm lượng sữa đầu ra mỗi ngày. Người nông dân hiện lo ngại nhu cầu sữa giảm mạnh có thể dẫn đến việc nhiều trang trại ngừng sản xuất hoàn toàn. Vào tuần trước, hai tập đoàn sản xuất sản phẩm bơ sữa lớn nhất Mỹ đã phải kêu gọi bộ Nông nghiệp Mỹ có những biện pháp nhanh chóng hỗ trợ ngành công nghiệp này bao gồm mua sản phẩm với số lượng lớn cho các chương trình lương thực, thực phẩm của chính phủ.
Với thị trường gia cầm, trong ba tuần đầu tháng ba, nhu cầu tiêu thụ lớn ở các siêu thị đã đẩy giá ức gà tăng 31%. Nhưng trong 2 tuần gần đây nhất, do hàng loạt nhà hàng, khách sạn đóng cửa khiến nguồn cung ức gà dồi dào trở lại, giá ức gà đã giảm 25%. Điều này dẫn đến việc nhiều trang trại nuôi gà tính toán giảm 5% sản lượng trong những tháng tới đây.
Nhu cầu tiêu thụ thịt xông khói giảm dẫn đến tình trạng dư thừa lượng lớn thịt thăn heo (nguyên liệu chính của món thịt xông khói), nhiều nhà sản xuất buộc phải dùng khối lượng thịt này cho các sản phẩm ít giá trị hơn như thịt đóng hộp hay chế biến xúc xích, theo ông Steve Meyer, nhà kinh tế học đến từ công ty quản lý khủng hoảng nông nghiệp Kerns & Associates. Thịt xông khói là sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc phần lớn vào ngành kinh doanh nhà hàng. Nhiều chuỗi cửa hàng ăn nhanh như McDonald, Denny… không còn duy trì được doanh số do nhu cầu tiêu thụ giảm bởi người dân không thể đi ăn bên ngoài hay mua đồ thường xuyên.