Nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu trên 43 tỷ USD

26/01/2020 13:13 GMT+7
Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.
Nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu trên 43 tỷ USD - Ảnh 1.

Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN


Năm 2019, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.

Hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu

Năm 2019 là năm dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn.Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu theo kế hoạch.

Chỉ tiêu vượt kế hoạch đầu tiên phải kể đến là xuất khẩu. Trong bối cảnh xung đột thương mại ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, một số thị trường (nhất là Trung Quốc) áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông, thủy sản từ Việt Nam, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%...

Tuy nhiên cả năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018. Trong đó, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%.

Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD tiếp tục được duy trì, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều.

Đáng chú ý, trong năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ, hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Hai chỉ tiêu hoàn thành tiếp theo là tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85% và tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54% với 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%. Nguyên nhân tăng trưởng nông nghiệp 2019 đạt thấp chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi (làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).

Đạt được kết quả trên là do nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó phải kể đến việc môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo ra sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp.

Trong năm 2019, cả nước đã có 17 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, được khánh thành, đi vào hoạt động.

Nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu trên 43 tỷ USD - Ảnh 2.

Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh với 2.756 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới năm 2019, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.

Trong đó, nông, lâm, thủy sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019 (ngày 23-12-2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngành nông nghiệp nước ta đóng góp ngân sách chưa phải lớn và giàu có nhưng lại có đóng góp rất lớn vào đời sống người nông dân Việt Nam bởi có trên 60% dân số là nông dân sống ở nông thôn. Do đó, nông nghiệp là một lĩnh vực Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Thủ tướng ghi nhận, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành đã đạt nhiều mục tiêu. Trong những kết quả đó, Thủ tướng nhắc tới sự kiện gạo ST 25 của Việt Nam được vinh danh là "gạo ngon nhất thế giới" và nhấn mạnh phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân. Buôn bán qua tiểu ngạch có thể nảy sinh nhiều vấn đề như tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng đánh giá cao năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng hành, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trở thành động lực phát triển nông nghiệp.

Đây cũng là năm  đánh dấu việc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, về đích sớm trước 1 năm rưỡi.

Cùng với đó, ngành đã chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt, giảm tối đa thiệt hại.

Công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai chủ động, bài bản, số người chết và mất tích giảm còn 130 (năm 2018 là 224 người); thiệt hại về kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng (năm 2017 là 63.000 tỷ đồng)...

Phấn đấu vào top 10 thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm...

Nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu trên 43 tỷ USD - Ảnh 3.

Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Đáng lo ngại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả...

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Phải nắm được dự báo tình hình thời tiết, cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng.

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020, như: tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng là 42%; tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới.

Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 Hợp tác xã nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như: cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường; mở rộng phát triển thị trường; giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn; sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa; sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ... 

Minh Duyên/bnews
Cùng chuyên mục