Nông sản dồn ứ không thể xuất khẩu sang Trung Quốc: Nguyên nhân từ đâu?

08/07/2019 10:12 GMT+7
Thờ ơ, thậm chí không hợp tác với các cơ quan chức năng trước việc thị trường xuất khẩu có các quy định mới đã khiến lượng nông sản bị dồn ứ lớn, không thể xuất khẩu được.

Quy định đã có, sao không nắm được?

Thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6 đến đầu tháng 7/2019, hàng loạt loại nông sản, nhất là trái cây tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hải sản tại các tỉnh miền Trung bị ách tắc, giá rớt thảm hại do không xuất khẩu được sang Trung Quốc, vốn là thị trường lớn đối với nông sản Việt Nam. Riêng trái cây, có loại tới 90%.

Nguyên nhân được xác định từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc là chưa đáp ứng được các yêu cầu về thông tin truy xuất nguồn gốc, đóng gói, ghi nhãn…

Có tới 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng, 33 tỉnh, thành chưa có mã số đóng gói, hay nói cách khác là chưa đủ điều kiện để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2019 đã được thông báo từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, người dân thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết nên dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất khẩu không được.

Ông Trung cho biết, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên Trung Quốc áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với Việt Nam, muộn hơn so với các nước ASEAN. Cụ thể, năm 2018, Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngay sau đó, ngày 23/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trên cả nước và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện tổ chức gấp rút triển khai thống kê vùng trồng cây ăn quả, các cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc. Trong đó, trước mắt tập trung triển khai thống kê thông tin 8 loại quả tươi đã được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu.

Trước đó, tháng 4/2018, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây trong danh sách tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.

Một số tỉnh có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp với số lượng lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Sơn La, Bến Tre, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Tây Ninh...

Tại Hải Dương, phải mất rất nhiều thời gian làm công tác tuyên truyền, phổ biến người dân cũng như các doanh nghiệp thu mua mới nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cấp mã số từ Trung Quốc. Từ đó, vụ vải thiều Thanh Hà vừa qua đã thu được kết quả khả quan.

Trong khi đó, có tới 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng, 33 tỉnh, thành chưa có mã số đóng gói, hay nói cách khác là chưa đủ điều kiện để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Chủ động tiếp cận thông tin, quy định từ thị trường

Tương tự với trái cây, thủy sản cũng là mặt hàng Trung Quốc yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại, cần phải đáp ứng 2 điều kiện: Một là sản phẩm phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong Danh sách được phép xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu công nhận (tại Việt Nam là do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản -  Nafiqad, công nhận và đưa vào danh sách); Hai là từng lô hàng khi xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư An toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp (tại Việt Nam do Nafiqad cấp, theo mẫu chứng thư An toàn thực phẩm đã được thống nhất giữa 2 nước).

Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hiện Việt Nam có 680 doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sau khi đảm bảo đầy đủ các tiêu chí mà Nafiqad quy định.

Danh mục thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cũng đã lên đến 128 loại. Đây là con số khá lớn cả về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chủng loại sản phẩm nếu so với các mặt hàng nông sản khác như rau quả, sản phẩm chăn nuôi...

Tuy nhiên, có tình trạng một số địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, nhất là các tỉnh có truyền thống xuất khẩu thủy sản tiểu ngạch sang Trung Quốc đã không mấy quan tâm tới những quy định này.

Các quy định mới mà phía Trung Quốc đưa ra từ tháng 11/2018, trong đó có nhấn mạnh cả vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn chủ quan, không hợp tác bởi cho rằng việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn có thể thực hiện được…

“Trước mắt, phía Tổng cục sẽ họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam  (VASEP), ngoài văn bản hướng dẫn sẽ có các tổ công tác đến các địa phương đang có vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Luân nói.

Về lâu dài, theo ông Luân, không chỉ Trung Quốc mà bất cứ thị trường nào cũng vậy, khi có các quy định mới, doanh nghiệp và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin qua nhiều kênh khác nhau, phối hợp với cơ quan chức năng để điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua.

Theo Pháp luật Việt Nam
Cùng chuyên mục