Nuôi tôm siêu thâm canh thích nghi biến đổi khí hậu
Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thích nghi với biến đổi khí hậu cho năng suất và chất lượng giúp nông dân Bạc Liêu làm giàu.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bạc Liêu tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 140.000ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 1.800 ha, diện tích mặt nước nuôi 185 ha, với 1.575 ao/hồ nuôi. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 70 - 90%. Hạn chế được dịch bệnh xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Phùng Minh Thông ở ấp Cây Dang, xã Long Điền, huyện Đông Hải với 7 hồ nuôi, mỗi hồ rộng 500m2. Theo ông Thông, nuôi tôm trong bể tròn không ô nhiễm môi trường như nuôi trong ao lót bạc. Đặc biệt giảm thiểu tôm chết sớm trong giai đoạn 25 - 30 ngày sau khi thả giống (bệnh hoại tử gan tụy cấp). Bình quân có thể thả nuôi 3-4 vụ tôm/năm. Mô hình này không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế bệnh dịch. Mật độ thả nuôi từ 150 – 300 con/m2, thời gian nuôi 2,5 – 3,5 tháng, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp 0,85 – 1,1.
Anh Phạm Tiến Thành ở ấp Thành Công, huyện Hòa Bình có 3 hồ nổi nuôi tôm, mỗi hồ rộng 500m2 vừa thu hoạch xong vụ tôm thứ 3 trong năm lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ.
Anh Thành cho biết, vụ tôm rồi nuôi thả theo 3 giai đoạn, bình quân mật độ thả 150con/m2, sau 70 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng 52 con/kg thu hoạch bán giá 105.000 đồng/kg, tuy giá bán không cao như các vụ trước nhưng vẫn có lãi.
"Từ năm 2017, được chương trình “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL - MCRP” của Tổ chức GIZ gợi ý tham gia “Mô hình nuôi tôm đổi mới công nghệ” tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên hồ lót bạt. Mô hình này chi phí đầu tư cao nhưng lợi thế là ít rủi ro và năng suất tôm nuôi rất cao", anh Phạm Tiến Thành.
Trên diện tích 3,6 ha anh Thành thiết kế khu vực nuôi gồm 4 ao nuôi (mỗi ao 500 m2), 1 ao ương, còn lại là hệ thống ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng... với tổng chi phí đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu tư mô hình nuôi tôm hồ nổi tròn khá tốn kém ban đầu, vì nuôi trong nhà đều sử dụng công nghệ cao. Nhưng bù lại giảm được nhiều chi phí khác như nhân công, điện, quản lý được nguồn nước nuôi tôm, thuận lợi chăm sóc tôm. Năng suất luôn cao hơn từ 30-35% so với nuôi truyền thống trong ao đất.
Anh Thành chia sẻ thêm: Năm nay, nhiều hộ nuôi tôm "treo ao", một số thì chuyển sang thả cá do nuôi tôm ao đất rất khó quản lý môi trường ao nuôi, tôm dễ phát sinh dịch bệnh và thiệt hại. Nhờ nuôi tôm đổi mới công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu nên tôi yên tâm hơn, tôm ít dịch bệnh, hiệu quả lại cao.
Bên cạnh đó vùng nuôi tôm của anh còn thiết kế hệ thống biogas để xử lý chất thải và dành ra một ao 2.000 m2 thả 5.000 con cá rô phi dòng gif. Anh Thành cho biết, cá rô phi dòng gif xử lý nước thải rất tốt, chỉ sau 6 tháng cá đạt trọng lượng khoảng 700 gram đến 1kg/con. Bán chợ giá 35.000 đồng/kg, còn bán cho công ty 25.000 đồng/kg. Trong thời gian tới anh nghiên cứu thả thêm các giống cá mới có thể ăn thức ăn tầng đáy, tầng giữa và tầng mặt chung với cá rô phi để chúng xử lý nước triệt để hơn.
Cũng theo anh Thành, từ đầu năm đến nay anh nuôi được 3 vụ. Vụ đầu tiên nhờ thu hoạch lúc tôm có giá nên lợi nhuận gần 400 triệu, đến vụ thứ hai thì bị lỗ do thời điểm chuyển từ mùa nắng nóng sang mùa mưa làm tôm bị sốc. Đến vụ thứ ba này, dù độ mặn còn gần 30‰, nhưng tốc độ tăng trưởng tôm nuôi vẫn khá tốt, dù thu hoạch sớm anh vẫn có lợi nhuận.