Ồ ạt đầu tư điện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao
Ngoài lắp đặt trên mái nhà hộ gia đình, ngày càng nhiều dự án điện mặt trời trên mái "né" bổ sung dự án vào quy hoạch để hưởng giá bán điện cao.
Giám đốc một doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP HCM cho biết, dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng lượng đơn hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà mà doanh nghiệp này nhận được trong nửa đầu năm nay bằng cả năm 2018. Có thời điểm thiết bị không kịp về để lắp đặt cho khách hàng, hoặc có lúc hàng về dồn dập công ty lại phải huy động tối đa công nhân để hoàn thành đơn hàng.
Ngoài lợi ích "tiêu dùng điện tại chỗ, phần dư thừa bán lại cho EVN" của điện mặt trời mái nhà, theo vị giám đốc này, suất đầu tư mỗi kWp điện mặt trời mái nhà ngày càng rẻ là nguyên nhân giúp nhiều hộ gia đình quyết định đầu tư vào loại hình năng lượng tái tạo này.
So với cách đây vài ba năm, hiện chi phí lắp mỗi kWp đã giảm một nửa, dao động 14-18 triệu đồng. Ước tính, nếu hộ gia đình đầu tư 3 kWp trên mái nhà, chi phí chỉ còn 42-54 triệu đồng, thay vì 90-100 triệu đồng như trước.
Chi phí giảm, lượng dự án tăng chóng mặt
Suất đầu tư rẻ hơn khiến số lượng dự án điện mặt trời mái nhà tăng đột biến thời gian qua. Đơn cử tại Gia Lai, số liệu ghi nhận của Công ty Điện lực Gia Lai, ngoài 755 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành, hiện còn 118 dự án đã thoả thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành. Phần lớn dự án đã có thoả thuận đấu lưới có công suất lắp đặt 1MW. Hiện một số trạm biến áp, đường dây tại khu vực thành phố Pleiku, huyện KrongPa hay Chư Sê... đã không còn khả năng giải toả công suất do quá tải đường dây, lưới.
Không riêng tại Gia Lai, một số địa phương khác khu vực miền Trung, miền Nam cũng ghi nhận tình trạng dự án điện mặt trời mái nhà đầu tư ồ ạt.
Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 7 đã có 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất gần 542 MW. Riêng trong 7 tháng đầu năm, số dự án lắp đặt đã chiếm hơn một nửa công suất đặt của các dự án điện mặt trời mái nhà từ trước đến nay.
Tập đoàn này cũng ghi nhận khoảng 4.850 dự án điện mặt trời mái nhà (công suất 2.860 MW) đăng ký thực hiện trong năm 2020. Trong số này, EVN cho biết không thoả thuận đấu nối với gần 760 hệ thống (công suất 640 MW) do vượt khả năng giải toả lưới điện.
Do có sự đổ bộ lớn vào lĩnh vực này nên không dưới hai lần EVN đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện ở các khu vực có nhiều dự án điện mặt trời nhỏ đầu tư ồ ạt.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban kinh doanh (EVN) cho biết, việc điện mặt trời mái nhà tập trung phát triển ở một số khu vực, nhất là miền Trung và Nam đang khiến tập đoàn này gặp khó khăn về giải toả lưới. EVN đang tính toán khả năng giải toả công suất của từng trạm biến áp và tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà trong quá trình ký thoả thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện.
Nhập nhằng điện mặt trời mặt đất với mái nhà để hưởng giá cao
Điện mặt trời mái nhà là loại hình năng lượng đang được khuyến khích phát triển với cơ chế giá ưu đãi 8,38 cent (1.943 đồng) một kWh, trong 20 năm và nhà đầu tư không phải bổ sung dự án vào quy hoạch điện. Ngoài sử dụng điện cho mục đích riêng, nhà đầu tư còn có thể bán điện cho EVN.
Nhưng đáng nói, ngoài lắp đặt trên mái nhà hộ gia đình thì ngày càng nhiều dự án điện mặt trời trên mái "né" bổ sung dự án vào quy hoạch để hưởng giá bán điện cao. Một trong số hình thức này là đầu tư điện mặt trời áp mái tại các trang trại nông nghiệp theo hướng bên dưới canh tác cây trồng, nuôi thuỷ hải sản... và bên trên là các tấm pin mặt trời nhưng pin chỉ lắp đặt trên các khung giá đỡ chứ không trên mái nhà.
Một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, thực tế có những trang trại điện mặt trời nông nghiệp thực chất là đi thuê đất nông nghiệp bỏ hoang để phát triển các cụm dự án điện mặt trời với tổng công suất vài MW, thậm chí hơn chục MW, sau đó "xé lẻ" từng dự án nhỏ dưới 1 MW.
Việc làm này nhằm né quy định không làm thủ tục bổ sung quy hoạch với các dự án công suất dưới 1 MW và để hưởng giá ưu đãi với điện mặt trời mái nhà - 8,38 cent một kWh (khoảng 1.943 đồng). Trong khi nếu đây là các dự án điện mặt trời mặt đất hoặc nổi thì giá ưu đãi thấp hơn nhiều, lần lượt 7,09 cent (1.644 đồng) và 7,69 cent (1.783 đồng) một kWh. Vì thế, không quá khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư "nhảy" vào cuộc đua tìm kiếm cơ hội kiếm lời từ loại hình năng lượng này.
Chưa kể, một số doanh nghiệp còn "lách" bằng cách lắp mái tôn lên khung giá đỡ trồng cây nông nghiệp, ao nuôi tôm... rồi mới lắp tấm pin mặt trời lên trên để hợp thức hoá công trình xây dựng, với mong muốn hưởng quyền lợi từ dự án điện mặt trời mái nhà.
"Điện mặt trời mái nhà là dạng phân tán với mục tiêu phân bổ nguồn phát để giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ và khu vực xung quanh, giảm tiêu thụ điện năng, áp lực lưới. Nếu phát triển điện mặt trời mái nhà dạng này là đi ngược với mục tiêu phát triển chung", ông bình luận và tỏ ra lo ngại khi điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam đang "xuất hiện những dấu hiệu lợi dụng, đi chệch đường ray".
Thực tế này cũng khiến nhiều nhà đầu tư dù đã bỏ tiền tỷ rót vào các trang trại điện mặt trời nông nghiệp nhưng tới giờ chưa ký được hợp đồng mua bán điện với EVN.
Bình luận về hiện tượng nhiều dự án điện mặt trời mặt đất nhưng lại nhập nhằng với mái nhà để hưởng giá mua điện cao, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, cơ quan quản lý cần gấp rút "vá" lỗ hổng chính sách trong phát triển dự án điện mặt trời mái nhà.
Bởi theo ông, nếu để phát triển tràn lan không những gây bất bình đẳng với các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng thực, còn ảnh hưởng lớn tới hệ thống lưới điện tại khu vực lắp đặt dự án. Ông đề xuất, nên bổ sung quy định về quy mô công suất lắp đặt tối đa, diện tích lắp đặt cụ thể với các dự án điện mặt trời mái nhà.
Trước thực tế "nở rộ" các hình thức đầu tư điện mặt trời nối lưới nhưng nhập nhằng với điện mặt trời mái nhà để hưởng giá mua điện cao, sai khác so với mục tiêu phát triển ban đầu cũng như các quy định pháp luật liên quan, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo đã chính thức "tuýt còi" hình thức đầu tư này.
Trả lời PV, lãnh đạo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo khẳng định, chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Còn các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ của hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà công trình xây dựng thì không được tính là điện mặt trời mái nhà. Do đó, các dự án dạng này sẽ không được áp dụng giá bán điện với hệ thống điện mặt trời mái nhà 8,38 cent một kWh, theo quy định tại Quyết định 13.
Đại diện cơ quan này cho biết, Bộ Công Thương sẽ sớm có văn bản chính thức gửi UBND các tỉnh, thành phố và EVN hướng dẫn chi tiết phát triển dự án điện mặt trời mái nhà, tránh tình trạng phát triển quá nóng và biến tướng vừa qua.