Ở giữa vùng than, nhiệt điện Quảng Ninh vẫn thiếu than trầm trọng

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 29/11/2018 11:45 AM (GMT+7)
Liên tiếp trong 4 tháng gần đây, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (phường Hà Khánh, TP.Hạ Long) phải hoạt động theo kiểu cầm chừng, 2/4 tổ máy đã phải tạm dừng sản xuất, thiệt hại hơn chục tỷ đồng/ngày... Nguyên nhân chính được cho là do thiếu than – điều chưa từng có trong tiền lệ đối với các nhà máy nhiệt điện trên đất mỏ.
Bình luận 0

“Ngửa tay” xin mua than

Trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, ông Lê Duy Hạnh cho biết: “Nhà máy có hơn 900 lao động làm việc trong 4 tổ máy nhưng do thiếu than nên phải tạm ngừng hoạt động 2 tổ máy. Hiện chúng tôi phải bố trí lao động ở 2 tổ máy ngừng hoạt động sang tăng cường cho 2 tổ máy còn lại. Nếu việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của Công ty, cũng như thu nhập, đời sống của người lao động”.

img

Ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh: "Việc thiếu than cho sản xuất nhiệt điện đã làm giảm doanh thu của Công ty khoảng 13 tỷ đồng/ngày". (Ảnh: Nguyễn Quý).

Theo chỉ định của Chính phủ và Bộ Công Thương, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ được ký hợp đồng mua bán than với 2 nhà cung cấp là Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Riêng năm 2018, theo hợp đồng, nhà cung cấp chính là TKV với 2,6 triệu tấn; Tổng Công ty Đông Bắc là 300.000 tấn. Kể cả khi 2 nhà cung cấp cấp đủ số lượng than trên, thì vẫn chưa đủ để Nhiệt điện Quảng Ninh hoàn thành trên 6,4 tỷ kWh được giao trong năm 2018.

Trên thực tế, tháng 8.2018 Công ty đăng ký 210.000 tấn nhưng TKV chỉ giao 185.000 tấn; tháng 9 đăng ký 160.000 tấn, TKV giao 140.000 tấn và đến tháng 10, TKV cũng chỉ giao được 157.000 tấn so với 280.000 tấn mà công ty đã đăng ký. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng than thực tế từ 10.000-12.000 tấn/ngày. Như vậy, với kế hoạch giao 157.000 tấn của TKV đã gây thiếu hụt 4.000-6.000 tấn/ngày, nên đến ngày 17.11, Công ty buộc phải dừng vận hành phát điện 2/4 tổ máy để đảm bảo duy trì vận hành 2 tổ máy còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty phải giảm tương ứng 10 triệu kWh/ngày, làm giảm doanh thu khoảng 13 tỷ đồng/ngày, kéo theo tiền lương người lao động, tiền thuế nộp cho ngân sách cũng bị giảm mạnh.

img

Mỗi ngày Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cần 10.000-12.000 tấn than (Ảnh: Nguyễn Quý).

Ông Hạnh cho biết, qua nhiều lần đàm phán và đề xuất, 2 nhà cung cấp than dự kiến chỉ đảm bảo khoảng 515.000 tấn. Điều này có nghĩa, Công ty sẽ thiếu hụt 145.000 tấn than so với nhu cầu tiêu thụ. Chưa kể, để đảm bảo các tổ máy vận hành liên tục, an toàn, thời gian đầu của năm 2019, Công ty cần thiết phải có thêm lượng than tồn kho dự trữ khoảng 100.000 tấn.

TKV tính đến tăng sản lượng và nhập khẩu than

Trước tình hình nghiêm trọng trên, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh nhiều lần gửi văn bản “kêu cứu” Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty phát điện 1 và TKV, đề nghị có các giải pháp cấp bách để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện. Trong các cuộc họp ngày 12 và 14.11 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có Nhiệt điện Quảng Ninh. Tuy nhiên, thực tế lượng than cấp từ đầu tháng 11 vẫn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ khi Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ được cấp trên 187.000 tấn trong khi khối lượng than tiêu thụ là trên 201.000 tấn.

Đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên thì tập đoàn sẽ cung cấp 2,6 triệu tấn than cho nhà máy này. Đến nay, TKV đã cấp 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Trong tháng 12, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn, dự kiến cả năm 2018 là 2,830 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.

Lãnh đạo TKV cho rằng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than khiến cho TKV không có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn. Ông Trung cũng dẫn chứng ra nhiều nhà máy nhiệt điện hiện chưa ký hợp đồng cung cấp than dài hạn với TKV như: Phả Lại 1 và 2; Uông Bí 1 và 2… "Việc ký dài hạn sẽ giúp TKV chủ động bố trí sản xuất, đầu tư đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ký hợp đồng dài hạn để chủ động trong sản xuất nhưng một số nhà máy nhiệt điện chưa ký" - ông Trung nói.

img

Phòng điều hành của 2 tổ máy Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh không có công nhân, kỹ thuật vì bị tạm dừng hoạt động từ 17.10 (Ảnh: Nguyễn Quý).

Ngoài ra, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than vào một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ra khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp. Trước tình hình đó, TKV đã huy động tối đa hàng tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; nhập khẩu trên 0,5 triệu tấn than các loại để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ. Đồng thời, điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác.

TKV dự báo nhu cầu than cho điện vẫn sẽ cao, trên 38 triệu tấn. Tập đoàn xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Lãnh đạo TKV đề nghị cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV chủ động tính toán phương án nhập khẩu bảo đảm nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2019. "Khi nhập khẩu than để trộn thì phải phụ thuộc vào giá của thị trường thế giới, sau khi nhập xong thì bán theo giá nào phải được các bên chấp nhận. Việc nhập than, tính các chi phí hợp lý và kê khai giá bán nhưng đến nay các nhà máy nhiệt điện có chấp nhận phương án giá đó hay không thì cũng chưa có ý kiến cuối cùng. Nhập về mà không biết được bán với giá nào thì không ai nhập nhưng không nhập thì sẽ thiếu than" - ông Trung nêu.

Đề xuất giải pháp cho tình trạng này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, ông Lê Duy Hạnh, cho biết thêm: Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới sẽ có thể làm việc, trao đổi với TKV để điều chỉnh khối lượng than phân bổ trong thời gian dài hạn thay vì ngắn hạn như hiện nay, trung bình là 3,5 triệu tấn than/năm. Đồng thời hy vọng Bộ Công Thương cho phép công ty được chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp than ngoài 2 đơn vị nói trên với khối lượng từ 10-20% để đáp ứng lượng than thiếu hụt cho sản xuất nhiệt điện, tránh xảy ra tình trạng nghiêm trọng như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem