Ô tô tồn kho tăng 129%, doanh số giảm 28%: DN xe hơi “chật vật” tháng cô hồn

21/08/2020 16:05 GMT+7
Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), dù nhiều mẫu xe đã được hưởng ưu đãi và đại hạ giá lượng ô tô tồn kho liên tục tăng trong khi doanh số suy giảm. Bước vào tháng cô hồn, doanh nghiệp (DN) ô tô càng “chật vật” do nhu cầu xuống thấp.

Số liệu từ VAMA cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, doanh số bán ô tô của các doanh nghiệp thành viên đạt 24.065 xe các loại. Theo đó, con số này chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 2% so với tháng trước.

Trong 7 tháng qua, các DN thành viên VAMA chỉ bán được 131.248 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 22%.

Theo chia sẻ từ đại diện các DN ô tô, làn sóng Covid – 19 lần thứ 2 khiến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Tất cả các DN ô tô trong nước đều bị giảm doanh số bán.

Trước đó, ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid -19 lần thứ nhất, từ cuối quý I/2020, nhiều DN đã phải giảm sản xuất và cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô tăng tới 129% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ.

Ô tô tồn kho tăng 129%, doanh số giảm 28%, DN xe hơi “chật vật” tháng cô hồn - Ảnh 1.

Nhiều DN ô tô đã phải cắt giảm sản xuất, lao động thời gian qua.

Để kích thích tiêu dùng, Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 tới hết năm 2020. Ngoài ra, chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% với xe lắp ráp trong nước cũng được thực thi từ ngày 10/7.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất linh kiện không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi này. Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phải có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Song, nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện lại cung cấp cho các nhà sản xuất linh kiện cấp cao hơn để họ lắp thành linh kiện hoàn chỉnh, từ đó mới cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nên không có hợp đồng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không trực tiếp nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất linh kiện mà mua lại từ một công ty nhập khẩu khẩu khác; vì vậy, không được hưởng thuế ưu đãi 0%.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục cho phép giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt để có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho khách hàng mua xe.

Dù được hưởng nhiều ưu đãi, tuy nhiên, doanh số bán xe trong nước không tăng mạnh. Thậm chí, sau khi "vượt mặt" mẫu xe "quốc dân" Toyota Vios về doanh số tháng 6, đến tháng 7, Honda City giảm tới 74% số lượng xe bán ra. Qua đó, mẫu xe này "rớt" khỏi top 10 xe ô tô bán chạy nhất tháng 7.

Cũng theo đại diện các DN, chi phí cơ bản để duy trì hoạt động hàng tháng rất lớn. Trong khi đó, nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh, điều này sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều DN phải đứng trước trước nguy cơ phá sản.

Theo dự báo của VAMA, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng cũng như doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm lại đây. Nhu cầu giảm dẫn đến sản xuất giảm và các doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm lao động. Các DN ô tô có khoản vay ngân hàng lớn càng khó có khả năng trả nợ.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục