OCB sắp phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30%, tăng vốn thêm hơn 4.100 tỷ đồng
Ngày 30/9/2022, Hội đồng Quản trị (HĐQT) OCB đã thông qua triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% (sở hữu 10 cp được nhận về 3 cp mới) cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau khi hoàn tất tất cả đợt phát hành nêu trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.884 tỷ đồng.
Với số vốn tăng thêm, OCB dự định dùng hơn 908 tỷ đồng đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và gần 3,278 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 23/4/2022, trong phương án trình đến cổ đông, OCB cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức: phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (50.000.000.000 đồng), phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora (8.823.410.000 đồng) và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%.
Hiện OCB đã công bố nghị quyết không tiếp tục thực hiện việc phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ này trong tháng 9 mà sẽ được thực hiện vào thời điểm khác phù hợp với quy định. Thay vào đó, OCB sẽ triển khai việc phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu.
Tính từ năm 2015 đến nay, OCB đã tăng vốn điều lệ gấp 3,9 lần, từ mức 3.547 tỷ đồng lên mức 13.699 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ được ngân hàng này tiến hành đều đặn qua mỗi năm. Trong đó năm 2022 sẽ có mức tăng vốn mạnh nhất với hơn 4.100 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 30/9, cổ phiếu OCB đứng ở mức 15.300 đồng/cp.
Thu nhập ngoài lãi ở mức thấp
SSI Research mới đây đã có báo cáo phân tích cổ phiếu OCB.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB gây thất vọng khi giảm 34,6% so với cùng kỳ và chỉ đạt 1,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 20,4% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 9,8%, nhưng khoản lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận cốt lõi của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu giảm 21 bps so với quý trước xuống 1,96%, tuy nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với con số 1,32% của quý 4/2021. Chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến việc ngân hàng phải trích lập thêm dự phòng tín dụng khiến cho chi phí dự phòng tăng 42,8% so với cùng kỳ lên 562 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Dư nợ tái cơ cấu giảm 29,5% so với đầu năm, xuống 2,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của OCB tăng 2,4% so với cùng kỳ, đạt 359 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu bancassurance tăng 18% so với cùng kỳ lên 192 tỷ đồng, nhưng ngân hàng không đảm bảo được “tỷ lệ tái tục bảo hiểm” và vì vậy phải ghi nhận thêm chi phí quảng cáo.
Điều này khiến tổng chi phí hoạt động dịch vụ tăng 24% so với cùng kỳ lên 52,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng lên, OCB đã ghi nhận khoản lỗ 327 tỷ đồng từ giao dịch trái phiếu. Và rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận cốt lõi của OCB trong 6 tháng đầu năm 2022.
Để khắc phục vấn đề này, OCB đã nỗ lực hơn trong việc thu hồi nợ xấu, cụ thể đã thu hồi được 226 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Nhìn chung, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu (vốn từng là thế mạnh của OCB) suy giảm, các khoản thu nhập ngoài lãi khác kém hiệu quả, và OCB đang phụ thuộc khá nhiều vào thu nhập lãi. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động là 94,2% trong quý 2/2022 so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 77%. SSI Research tin rằng điều này sẽ tiếp tục là một mối lo ngại đối với OCB, vì lợi suất trái phiếu đang có xu hướng cao hơn.
SSI Research điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 giảm 19,5% xuống 4,9 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, trước đây SSI Research dự báo sẽ có một khoản thưởng từ hoạt động bancassurance vào năm 2022. Tuy nhiên, với tỷ lệ tái tục bảo hiểm không đạt yêu cầu như hiện tại buộc SSI Research phải hạ dự báo tăng trưởng doanh thu phí từ mức 50% xuống 15%. SSI Research cho rằng, OCB cần nỗ lực để cải thiện tỷ lệ này trong tương lai.
Thứ hai, lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng đã làm suy giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu của OCB. Theo đó, SSI Research cho rằng OCB sẽ kết thúc năm tài chính 2022 với khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán khoảng 150 tỷ đồng.
SSI Research cho rằng tăng trưởng tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế sẽ quay về mức 12~13% cho năm tài chính 2023. Do đó, OCB được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 15,9% so với đầu năm. Trước áp lực của việc lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hối đoái (USD/VND) tăng lên, SSI Research cho rằng OCB có thể sẽ hạn chế các hoạt động huy động vốn từ nước ngoài để thúc đẩy tiền gửi của khách hàng.
Mặt khác, SSI Research cho rằng thu nhập lãi thuần sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lợi nhuận cốt lõi của OCB do thiếu đi khoản lãi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu, trong khi thu nhập từ phí có thể chỉ đạt mức tăng trưởng vừa phải là 25% vào năm 2023.
SSI Research dự báo chi phí huy động sẽ tăng 70 bps (so với mức tăng 65 bps của lợi suất tài sản vào năm 2023), khiến NIM giảm 3 bps. Ngoài ra, SSI Research tin rằng hệ số CIR sẽ được duy trì ở mức 30,5%, do quá trình số hóa các khoản cho vay mua nhà tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên mức 2%, do các khoản cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và khiến chi phí dự phòng tăng lên 1,18% khi giá trị bất động sản dự báo sẽ giảm vào năm 2023.