Ông chủ Tencent Pony Ma mất 14 tỷ USD, nhiều hơn cả Jack Ma trong chiến dịch siết công nghệ ở TQ
Tài sản ròng của tỷ phú Pony Ma đã giảm gần 14 tỷ USD kể từ tháng 11/2020 - thời điểm Bắc Kinh bắt đầu siết chặt các quy định pháp lý với ngành công nghệ Trung Quốc bằng việc chặn đứng thương vụ IPO của Ant Group trực thuộc Alibaba cho đến nay.
Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, Pony Ma hiện có tổng tài sản ròng 47,8 tỷ USD và là người giàu thứ ba Trung Quốc, xếp ngay sau nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Mặc dù giữ thái độ ôn hoà hơn trong đợt cải cách quy định pháp lý lần này của Bắc Kinh, Pony Ma vẫn chứng kiến tổng tài sản bốc hơi mạnh mẽ khi cổ phiếu Tencent lao dốc trong những tuần qua.
Chỉ trong tháng 7 trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhà đầu tư đã bán ròng 33 tỷ HKD (4,2 tỷ USD) cổ phiếu Tencent Holdings. Đây có khả năng là đợt bán tháo hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 1 năm qua mà cổ phiếu Tencent ghi nhận, theo tính toán của Bloomberg.
Cổ phiếu Tencent bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng 7 khi SAMR tuyên bố chặn kế hoạch của Tencent nhằm hợp nhất hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu đất nước là Huya và DouYu trên cơ sở luật chống độc quyền. Sau đó ít ngày, Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) hôm 24/7 tuyên bố cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc vì hành vi cạnh tranh không công bằng trên thị trường âm nhạc trực tuyến sau khi mua lại tập đoàn China Music Corporation. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ sáp nhập nói trên, qua đó hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa. Động thái này tiếp tục gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu Tencent tại Hong Kong.
Mới đây nhất, chỉ trong phiên giao dịch sáng 3/8, cổ phiếu Tencent tiếp tục mất khoảng 10% trước khi phục hồi nhẹ vào phiên giao dịch chiều khi một bài báo trên tờ Economic Information Daily chỉ ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực mà các tựa game trực tuyến có thể gây ra với sự phát triển của trẻ em Trung Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tencent đã tụt gần 17%.
Sự tụt giá cổ phiếu liên tiếp đã đưa vốn hóa thị trường Tencent giảm xuống chỉ còn 550,5 tỷ USD từ mức gần 1 nghìn tỷ USD cao nhất trong vòng 1 năm qua. Mặc dù cho đến nay, Tencent chưa phải chịu khoản phạt kỷ lục nào như Alibaba của Jack Ma với khoản phạt 2,8 tỷ USD, nhưng hàng loạt động thái mới đây của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư lo ngại Tencent có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các nhà quản lý.
Không riêng Tencent và Alibaba, nhiều gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang lao đao vì các động thái siết quy định pháp lý của Bắc Kinh.
Chẳng hạn Meituan - công ty công nghệ có vốn hóa thị trường lớn thứ ba Trung Quốc (khoảng 200 tỷ USD), chỉ sau nhà phát triển trò chơi điện tử giải trí Tencent và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, theo Wall Street Journal. Hồi tháng 5 vừa qua, vốn hóa thị trường của Meituan đã bốc hơi 38,96 tỷ USD chỉ trong 2 tuần sau khi bị Bắc Kinh siết chặt giám sát pháp lý. Bên cạnh cuộc điều tra độc quyền có nguy cơ dẫn tới một khoản phạt hàng tỷ Nhân dân tệ, Meituan cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như luật tiền lương tối thiểu cho nhân viên giao hàng mà Bắc Kinh vừa đưa ra hồi tuần trước.
Một ví dụ khác là gã khổng lồ gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi Global. Theo nguồn tin của Bloomberg, giới chức Bắc Kinh đang cân nhắc hàng loạt hình phạt tiềm năng với Didi Global, bao gồm phạt hành chính, đình chỉ một số hoạt động hoặc xem xét đưa Didi về tay một nhà đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước sau thương vụ IPO trị giá 4,4 tỷ USD tại Mỹ. Không loại trừ trường hợp Didi buộc phải hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ. Các cuộc thảo luận về án phạt với Didi được cho là đang trong giai đoạn sơ bộ và chưa có kết quả chắc chắn, nhưng nhiều dự đoán cho rằng Didi có khả năng phải chịu mức phạt nặng hơn rất nhiều so với khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD mà Alibaba phải gánh chịu sau cuộc điều tra chống độc quyền hồi đầu năm nay.