Chuỗi ngày đen đủi của Tencent: sau tuần đỏ lửa, cổ phiếu lại bốc hơi 10% vì một bài báo

03/08/2021 13:48 GMT+7
Cổ phiếu Tencent và NetEase đã lao dốc mạnh trong phiên giao dịch 3/8 khi truyền thông Trung Quốc ví các trò chơi điện tử trực tuyến - một trong những mảng kinh doanh chủ lực của hai gã khổng lồ công nghệ kể trên - có tính gây nghiện như “một loại ma túy”.

Tờ Economic Information Daily, một ấn phẩm thuộc quản lý của Tân Hoa xã hôm 3/8  đã đăng bài viết về vấn nạn nghiện game online phổ biến ở trẻ em Trung Quốc, qua đó chỉ ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực mà các tựa game trực tuyến có thể gây ra với sự phát triển của trẻ.

Theo bài báo này, trong năm 2020, hơn một nửa trẻ em Trung Quốc bị cận thị có liên quan đến việc nghiện game online. Ngoài ra, việc nghiện game cũng gây ảnh hưởng lớn đến kết quả học hành của trẻ. Bài báo kêu gọi kiểm soát thời lượng trẻ em chơi game online cũng như kiểm soát nội dung trò chơi một cách nghiêm ngặt hơn để giảm nguy cơ trẻ tiếp xúc với các thông tin không phù hợp với độ tuổi. 

Mặc dù bài báo bị xóa vài giờ sau khi xuất bản, nó vẫn gây ra hệ lụy lớn với các ông lớn game online Trung Quốc như Tencent và NetEase. Cổ phiếu Tencent đã tụt mạnh khoảng 10% trong phiên giao dịch sáng 3/8 trong khi cổ phiếu NetEase niêm yết tại Hong Kong bốc hơi gần 14%. Dù đã phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch chiều nhưng đà phục hồi không thể bù lại mức lao dốc mạnh mẽ vào buổi sáng. 

Cả Tencent và NetEase hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc. 

Chuỗi ngày đen đủi của Tencent: sau tuần đỏ lửa, cổ phiếu lại bốc hơi 10% vì một bài báo - Ảnh 1.

Cổ phiếu Tencent đã lao dốc mạnh trong phiên giao dịch sáng 3/8 sau một bài báo chỉ trích tác hại của game online (Ảnh: Reuters)

Đáng chú ý, quan điểm trong bài báo nói trên không phải là mới. Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã lo ngại về tác động của trò chơi điện tử đối với trẻ vị thành niên. Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc từng đình chỉ việc phê duyệt các tựa game mới do lo ngại trò chơi điện tử ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực giới trẻ. Tại thị trường Trung Quốc, mỗi tựa game muốn ra mắt phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Đến năm 2019, Trung Quốc tiếp tục siết chặt các quy định khi cấm người chơi dưới 18 tuổi chơi game online trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 8 giờ sáng, đồng thời hạn chế thời gian tối đa chơi trong ngày.

Trước sự siết chặt quy định của Bắc Kinh, cả NetEase và Tencent đều đã đưa ra các biện pháp để bảo vệ người chơi vị thành niên, bao gồm yêu cầu đăng ký tên thật khi chơi game. Tháng trước, Tencent đã giới thiệu một tính năng nhận dạng khuôn mặt trên smartphone để xác nhận danh tính và độ tuổi game thủ.

Hồi tuần trước, cổ phiếu Tencent cũng lao dốc mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) cho biết đang tiến hành điều tra các hoạt động của Tencent trên thị trường âm nhạc trực tuyến Trung Quốc. SAMR sau đó tuyên bố cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc để mắt đến Tencent vì hành vi cạnh tranh không công bằng trên thị trường âm nhạc trực tuyến sau khi mua lại tập đoàn China Music Corporation. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ sáp nhập nói trên. Điều này đang hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa. 

Hồi đầu tháng, SAMR cũng chặn kế hoạch của Tencent nhằm hợp nhất hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu đất nước là Huya và DouYu trên cơ sở luật chống độc quyền.

Bloomberg cho hay trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư nội đã bán ròng 33 tỷ HKD (4,2 tỷ USD) cổ phiếu Tencent Holdings chỉ trong tháng 7. Đây có khả năng là đợt bán tháo hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 1 năm qua mà cổ phiếu Tencent ghi nhận, theo tính toán của Bloomberg.

Tính đến 13 giờ 30 phút chiều 3/8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu Tencent giao dịch ở 445,4 HKD/cp, thấp hơn 42,5% so với mức cao nhất trong năm qua.


NTTD
Cùng chuyên mục