Tencent chi đậm 50 tỷ NDT cho sáng kiến môi trường để "lấy lòng" Bắc Kinh

19/04/2021 20:35 GMT+7
Hôm 19/4, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent tuyên bố cam kết đầu tư 50 tỷ Nhân dân tệ (7,68 tỷ USD) cho các sáng kiến môi trường và xã hội.

Động thái diễn ra cùng thời điểm Bắc Kinh siết chặt giám sát các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mà Tencent là một trong những đối tượng thu hút nhiều sự chú ý hơn cả.

Tencent cho biết khoản đầu tư 50 tỷ Nhân dân tệ (7,68 tỷ USD) sẽ tài trợ cho các sáng kiến trong nhiều lĩnh vực như khoa học cơ bản, đổi mới giáo dục, cải tạo nông thôn, trung hòa carbon bảo vệ môi trường, cung cấp thực phẩm, năng lượng và nguồn nước, phúc lợi công cộng…

Theo Tencent, công ty hiện đang thành lập một nhóm phát triển riêng để thúc đẩy các sáng kiến này. “Tencent nhận thấy sự cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của công chúng và thời đại, cũng như sự phát triển và thịnh vượng của toàn xã hội” - trích lời tỷ phú Pony Ma, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tencent.

Tencent chi đậm 50 tỷ NDT cho sáng kiến môi trường để "lấy lòng" Bắc Kinh - Ảnh 1.

Tencent chi đậm 50 tỷ NDT cho các sáng kiến môi trường để "lấy lòng" Bắc Kinh

Tencent cùng với Alibaba hiện là hai gã khổng lồ công nghệ đang bị Bắc Kinh siết chặt giám sát do quan ngại sử dụng quyền lực thị trường để thúc đẩy độc quyền và chèn ép các nhà khởi nghiệp công nghệ mới nổi.

Luật chống độc quyền của Trung Quốc chỉ mới được ban hành năm 2008. Hồi tháng 2, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường SAMR đã công bố dự thảo ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet. Nó là một trong những đề xuất mới và chặt chẽ nhất tại quốc gia này trong việc quản lý các hãng công nghệ lớn. 

Trong trường hợp của Alibaba, Các nhà quản lý Trung Quốc tuyên bố phạt gã khổng lồ công nghệ số tiền 18,23 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) sau cuộc điều tra chống độc quyền mới đây. Ngoài khoản tiền phạt 18,23 tỷ NDT tương đương 4% doanh thu năm 2019 của công ty, các nhà quản lý cho biết Alibaba sẽ phải trình báo cáo tuân thủ chính sách đến SAMR trong 3 năm tới.

Tờ CNBC nhận định đây là diễn biến mới nhất trong chiến dịch “đàn áp công nghệ” ở Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách ngày càng cảnh giác trước sức mạnh quá lớn của những gã khổng lồ công nghệ, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Và sự giám sát với Alibaba của tỷ phú Jack Ma chỉ là mở màn cho câu chuyện.

Jack Ma từng biến mất khó hiểu nhiều tháng trời, không lộ diện trước công chúng sau bài phát biểu thẳng thắn chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, ví các ngân hàng với “tiệm cầm đồ”, nơi chỉ những ai có tài sản thế chấp hoặc được bảo lãnh mới được vay tiền.

Ngay sau bài phát biểu của Jack Ma, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group - công ty fintech trực thuộc Alibaba - trên sàn giao dịch STAR, qua đó đóng băng khả năng niêm yết kép của Ant trên sàn Hồng Kông do hàng loạt thay đổi về quy định. Trung Quốc cũng công bố cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba - tập đoàn đang nắm giữ 33% cổ phần Ant Group.

Hồi cuối tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC đã triệu tập các giám đốc điều hành Ant Group để yêu cầu họ lập kế hoạch chấn chỉnh cũng như phương hướng, mốc thời gian cụ thể thực hiện hoạt động kinh doanh; bao gồm hàng loạt mảng dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản… Các nhà quản lý kết luận Ant Group thiếu cơ chế quản trị doanh nghiệp chặt chẽ, dẫn đến không tuân thủ các quy định nhà nước về hoạt động kinh doanh chênh lệch giá. Ngoài ra, Ant Group bị cáo buộc sử dụng vị thế thị trường để loại trừ các đối thủ, làm tổn hại quyền và lợi ích người tiêu dùng.

Trong trường hợp của Tencent, công ty công nghệ này từng phải nộp khoản phạt 500.000 NDT (76.500 USD) do nhà xuất bản trực tuyến sách điện tử China Literature (trực thuộc Tencent) không xin phép cơ quan chức năng trong thương vụ mua lại New Classics Media. 

Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đều phát triển tự do trong suốt thời gian qua, tức là được các cơ quan quản lý lờ đi khi tiến hành hàng chục thương vụ sáp nhập công nghệ lớn mà không cần nộp đơn xin phép. 

Khoản phạt 500.000 NDT (76.500 USD) đối với Tencent (mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm theo luật chống độc quyền) là không đáng kể, nhưng nó gửi đi một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng thời đại mà Bắc Kinh dung túng cho hành vi độc quyền trong lĩnh vực Internet để khuyến khích đổi mới công nghệ có thể đã chấm dứt.


NTTD
Cùng chuyên mục